ĐBSCL: Chuyển đổi để thích ứng biến đổi khí hậu

Minh Châu|29/09/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về những tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là tình hình hạn mặn, sạt lở, triều cường. Đồng thời, khuyến nghị nhiều giải pháp để chuyển đổi cũng như thích ứng với những mối hiểm họa này.

Trong thời gian qua nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được nông dân các nơi triển khai. Đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Một số mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa – cá, lúa – tôm, lúa – sen, lúa – màu, lúa – cây ăn trái, đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch.

Nông dân vùng ĐBSCL chuyển đổi cây trồng, thích ứng BĐKH.

BĐKH đang tác động mạnh mẽ đến đời sống, sinh kế của người dân; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, về lâu dài, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, tưới tiết kiệm nước sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp công trình trữ nước, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, dòng chảy..) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Tình trạng xâm nhập mặn đang có xu hướng đi sâu vào đất liền, không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển, sản xuất lúa mà còn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn trái của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam, để ứng phó với tình trạng hạn, mặn, nông dân cần dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây trong những tháng nước mặn hoặc dự trữ trong những túi nilon dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn.

Đồng thời, hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn ≥10/00 đối với nhóm cây mẫn cảm với mặn như: Chuối, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng… Bên cạnh đó, nhà vườn không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Nông dân có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Mg, Silic giúp cây tăng đề kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với nhiễm mặn, cứng cây, không đổ ngã…

Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT chủ động vào cuộc, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH gắn với xây dựng NTM vùng ĐBSCL, phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL, phòng chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai và nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH của vùng.

Tiếp theo Bộ NN-PTNT ban hành Kế hoạch theo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết, theo định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL “thịnh vượng, an toàn, bền vững”. Trong đó tập trung cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với BĐKH…

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
ĐBSCL: Chuyển đổi để thích ứng biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.