Nhộn nhịp hoạt động nuôi trồng thủy sản trên dòng sông Thị Vải

Tuấn Kiệt|10/08/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từng được ví như "dòng sông chết", sông Thị Vải đã hồi sinh, tại đây, người dân có thể nuôi trồng thủy sản ở các bè cá.

Giờ đây, nước sông trong xanh, có thể nhìn thấy rõ cá tôm dưới nước. Trên sông có hàng chục lồng bè nuôi cá của các ngư dân hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Xa xa, nhiều tàu thuyền đang di chuyển ra vào cảng nhộn nhịp.

Ông Hoàng Văn Hóa, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành từng làm nghề đánh bắt cá trên sông Thị Vải. Khi dòng sông ô nhiễm nặng, thủy sản không thể sống nổi, ông đành giải nghệ, lên bờ.

Khi sông Thị Vải hồi sinh, ông Hóa trở lại nghề cũ, nhưng nguồn thuỷ sản tự nhiên không còn nhiều như trước. Năm 2012, ông bàn với vợ vay vốn, dựng lồng bè nuôi cá, ổn định lâu dài.

Cá trong bè hơn 500m2 chủ yếu cá chim, chẽm, hồng mỹ… phù hợp môi trường nước lợ nên phát triển, sinh trưởng tốt. Giá bán cá hồng mỹ thấp nhất 90.000 đồng/kg, cao nhất như cá chim 150.000 đồng/kg.

“Mỗi năm tôi nuôi cuốn chiếu 3 vụ liên tục, thu về khoảng 30 tấn cá, thu nhập ổn định hơn trên bờ rất nhiều”, ông Hóa cho hay.

song-thi-vai.jpg
Nước sông bớt ô nhiễm người dân thả bè nuôi thủy sản trên sông Thị Vải

Vợ chồng bà Đỗ Thị Hải cũng cho biết nuôi cá bè ở đây phù hợp, thu nhập khá hơn đi làm công nhân. Mỗi năm sau khi trừ các chi phí như giống, thức ăn, thuốc men, bà Hải thu về hàng trăm triệu đồng.

Dù mới vào nghề nuôi cá bè trên sông Thị Vải 2 năm, nhưng nhờ bè cá, gia đình anh Trương Đức Định có đồng ra đồng vào, lo cho con cái đi học trên bờ, cuộc sống khấm khá hơn xưa.

“Mấy năm tôi ra đây không thấy nước bị ô nhiễm. Có thể ngành chức năng và các doanh nghiệp đều chung tay bảo vệ dòng sông nên nguồn nước ổn định, tôm cá phát triển tốt”, anh Định cho hay.

Nói về công tác đảm bảo môi trường nước trên sông Thị Vải, ông Lê Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai) thông tin, hàng tháng cán bộ chuyên môn của trung tâm thường xuyên quan trắc nước tại nhiều vị trí trên sông Thị Vải.

Kết quả quan trắc năm 2023 xác định, sông Thị Vải có chất lượng nước tương đối ổn định so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021.

Ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, hiện trên sông Thị Vải và ven sông, người dân đang nuôi cá bè và phát triển nuôi tôm, hào… Trên mặt sông có 18 hộ nuôi cá bè, mỗi hộ nuôi từ khoảng 12-18 ô lồng bè với các giống cá khác nhau.

Qua đánh giá tổng quan, kết quả quan trắc môi trường cho thấy nước sông Thị Vải có các thông số lý - hóa - vi sinh… đều nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp với nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó, ông Cao Việt Chương, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Nhơn Trạch 6 (chuyên xử lý nước thải, quản lý môi trường khu công nghiệp) cho biết, từ năm 2016, khi hình thành khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 thì nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng đã được xây dựng. Hiện nhà máy xử lý nước thải tại đây đang xử lý 20.000m3 nước thải/ngày - đêm.

Do khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 có 90% là dệt nhuộm nên công tác xử lý nước thải được đầu tư, kiểm soát mạnh. “Chúng tôi đã lắp đặt các trạm quan trắc tự động ngay tại nhà máy và ở các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải lớn để kiểm soát chất thải từ ban đầu, tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc”, ông Chương nói.

Theo ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, giai đoạn ô nhiễm môi trường trên sông Thị Vải xảy ra từ năm 2008, sau đó tỉnh đã vào cuộc rà soát, xử lý, thống kê thiệt hại để hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

Phía Công ty Vedan cũng đã bỏ ra 120 tỷ hỗ trợ bồi thường cho người dân, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Từ năm 2010, ngành chức năng Đồng Nai cũng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước để quản lý chất lượng nguồn nước. Tại huyện Nhơn Trạch, 10 khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Hệ thống nước thải của các doanh nghiệp được đấu nối vào khu xử lý nước thải để xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra sông Thị Vải.

Tới đây, Đồng Nai sẽ có các quy định về lựa chọn nhà đầu tư để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đối với các ngành có lượng xả thải lớn như dệt, nhuộm… sẽ hạn chế thu hút đầu tư.

“Quan điểm của tỉnh là lựa chọn những nhà đầu tư quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Ngay cả lĩnh vực chăn nuôi thủy sản vẫn phải quan tâm đến vấn đề này để hài hòa và giữ an toàn cho nguồn nước”, ông Phi nói thêm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhộn nhịp hoạt động nuôi trồng thủy sản trên dòng sông Thị Vải