Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía nam diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng ngàn ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng chặt chẽ ở những địa phương này nhằm nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. TP.HCM hoa lệ không còn cảnh đông đúc, nhộn nhịp như ngày thường mà thay vào đó là khung cảnh vắng lặng đến nao lòng. Khắp thành phố chỉ còn tiếng còi xe cứu thương, xe của các lực lượng đi làm nhiệm vụ và xe chở hàng thiết yếu.
Tại chốt kiểm soát phía Nam Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng đón bà con, tiếp tế thêm về lương thực, thực phẩm để bà con mang theo trên chuyến hành trình về với quê hương.
Khi mảnh đất mưu sinh “bị ốm”
TP.HCM chưa bao giờ buồn đến vậy. “Sài Gòn ốm – Sài Gòn tổn thương”, một thời gian ngắn, vạn vạn người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Không việc làm, không thu nhập, đồng tiền tích trữ dần cạn kèm theo nỗi lo về sự lây lan của dịch bệnh. Trên những chiếc xe ngàn dặm, bà con rời mãnh đất mưu sinh để hồi hương trở về với gia đình, làng xóm, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Dẫu trở về quê, nhưng trong lòng họ luôn thiết tha mong muốn TP.HCM nhanh chóng dập tắt dịch bệnh để họ sớm có cơ hội trở lại sinh sống và làm việc như những ngày bình yên trước đây.
Trở về quê trên phương tiện cá nhân thô sơ lúc này với người dân lao động đều nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan. Tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt hàng ngày đã vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ. Nhiều người đã chấp nhận lựa chọn mạo hiểm, rong ruổi trên những chiếc xe máy thô sơ vượt dặm ngàn thiên lý tìm về quê cha đất tổ. Đợt hồi hương lần này trở thành một đợt về quê thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của bà con lao động.
Hồ Ngọc Hùng, người dân xã Bình Tân (Bình Thuận) đã tự nấu những suất cơm miễn phí, đóng gói cẩn thận sắp lên bàn và treo biển cho bà con dễ nhận biết.
Trên dặm đường xa, giữa cái nắng, cái gió và những đợt mưa tầm tã, hàng ngàn chiếc xe máy lầm lũi chạy dài trên con đường quốc lộ. Những hình ảnh dòng người hối hả về quê đã được chia sẻ rất nhiều lên mặt báo và các trang mạng xã hội tạo nên xúc cảm mạnh mẽ của những người con dân đất Việt, để rồi “tình dân tộc – nghĩa đồng bào” lại một dịp nữa giấy lên mạnh mẽ góp phần tiếp sức cho những người con xa quê trên chuyến xe hành trình hồi hương của họ được trọn vẹn. Đó chính là ân tình trên chặng đường hàng ngàn km của bà con hồi hương.
Tình dân tộc – Nghĩa đồng bào trên hành trình ngàn dặm
Trên hành trình về quê, nhiều lúc họ kiện sức vì đói, vì khát, bóng cây bên đường là chỗ dừng chân nghỉ ngơi của họ. Và lúc này đây, xúc động biết bao khi bên đường những chiếc bàn đặt ngay ngắn với những hộp cơm kèm chai nước suối, một túi nhỏ hoa quả địa phương với dòng chữ “tiếp sức bà con về quê”, “suất cơm không đồng”… được những tấm lòng thơm thảo của nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện.
Bàn được để sẵn các suất ăn miễn phí cho bà con hồi hương xuất hiện nhiều ở các tỉnh thành trên suốt hành trình.
Để chuẩn bị hàng trăm suất cơm từ thiện, mỗi ngày bếp nhà anh Hồ Ngọc Hùng, người dân xã Bình Tân (Bình Thuận) luôn nhộn nhịp người nấu. Anh Hùng cho biết “Hiện tại các nhà hàng quán cơm đều đóng cửa, vì vậy bà con hồi hương khó có thể tìm được nơi để ăn cơm qua ngày. Vì vậy tôi quyết định nấu cơm không đồng, đóng thành từng phần riêng để bà con tiện trong việc mang theo dùng trong hành trình hồi hương của họ. Khi biết tôi nấu những suất cơm này, nhiều người đã tình nguyện đến giúp đỡ, người mang rau, mang gạo, người mang nước uống đến để cùng chung tay nấu những suất cơm này. Chỉ mong bà con trở về quê được an toàn, mạnh khỏe”.
Nhiều gia đình cùng con nhỏ vẻo trên chân cha, trên bụng mẹ, dãi nắng dầm sương với hành trình vạn dặm.
Tại vòng xoay Nam Phan Thiết, Hội Liên hiệp Thanh niên Phan Thiết và Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận cùng chung tay thực hiện những suất ăn không đồng với những món quà nho nhỏ nhưng đầy nghĩa đồng bào đồng hành với bà con trên chặng đường về với quê cha đất tổ. Phần quà gồm 1 hộp xôi, 1 chai nước sâm, 1 chai nước chanh sả mật ong, 1 chai nước lọc, 1 hộp sữa,1 bịch bánh mì sandwich và 1 bịch thanh long tươi. Những gói quà lúc này đong đầy tình yêu thương và sẻ chia đúng nghĩa 2 chữ “đồng bào”.
Những suất ăn miễn phí họ mang theo hành trình, cũng là nguồn sức mạnh tiếp thêm cho họ trên đường trở về quê hương.
Hình ảnh lực lượng cảnh sát giao thông ở các tỉnh trên hành trình bà con đi qua đã “hộ tống” người dân đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia giao thông. Những người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, hay những người đuối sức đã được lực lượng dùng xe chuyên dụng chở trung chuyển qua hết địa bàn của tỉnh, sau đó bàn giao cho các đồng chí đang làm nhiệm vụ ở tỉnh bạn. Nhiều phần cơm, nước uống, sữa…đã được lực lượng CSGT chuẩn bị sẵn tiếp sức khi bà con đến điểm chốt kiểm soát. Kèm theo đó là từng can xăng đóng cẩn thận phát miễn phí để bà con có thêm nhiên liệu trên hành trình về quê. Sự quan tâm chia sẻ lúc này giúp bà con lấy lại năng lượng sau hành trình dài di chuyển. Việc làm nhân ái như những dòng nước mát tưới xuống những ngày hè nắng lửa, một sự chia sẻ làm ấm lòng người tha hương.
Hàng chục bạn trẻ ở Đà Nẵng đa phần là thợ sửa xe, sinh viên chuyên ngành đã tham gia nhóm hỗ trợ sửa xe, thay dầu miễn phí cho bà con đi xe máy hồi hương.
Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân về từ TP.HCM và các tỉnh phía nam bằng xe máy, Phòng CSGT – Công an TP Đà Nẵng đã kêu gọi các tình nguyện viên có kinh nghiệm sửa chữa xe tham gia hỗ trợ đón, đưa người dân qua địa bàn. Ngay lập tức, hàng chục bạn trẻ đã đăng kí tham gia, đa phần là thợ sửa xe, sinh viên chuyên ngành… bà con bị hư hỏng xe, hay có nhu cầu thay dầu miễn phí đều được đội tình nguyện đáp ứng.
Về đến Quảng Bình, một nhóm lao động đi xe máy từ TP. HCM về Nghệ An kiệt sức nằm lăn lóc bên vệ đường, lương thực, thực phẩm mang theo cũng đã cạn. Nhìn thấy cảnh này, một người đàn ông ở Quảng Bình đi qua đã ghé mua một túi bánh mì cùng thùng nước lọc cho bà con trong đoàn xe ăn lót dạ, tiếp thêm sức để lên đường về quê. Chỉ là một túi bánh mì và thùng nước lọc phát cho bà con lúc này, nhưng gần như là “cứu tế” qua cơn đói khát để bà con tiếp tục cuộc hành trình đang dang dỡ. Tình yêu thương, sự sẽ chia đến từ những việc làm nhỏ, nhưng nhân ái vô cùng.
Những gói quà lúc này đong đầy tình yêu thương và sẽ chia đúng nghĩa 2 chữ “đồng bào”.
Chị N.T.L (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Gần 2 tháng nay do dịch bệnh, không có việc làm, không có thu nhập, những đồng tiền tích góp cuối cùng cũng gần hết. Vợ chồng quyết định chở theo 2 con nhỏ nhập đoàn đồng hương về quê. Thật may mắn, đoàn nhận được rất nhiều tình cảm ân nghĩa, của bà con cô bác, của các lực lượng chức năng hỗ trợ tiếp sức trong suốt hành trình. Đây không những là đồ tiếp tế mà nó còn là cứu cánh, cứu đói cho chúng tôi. Cảm ơn mọi người nhiều lắm”.
Ngay điểm chốt tại cầu Bến Thủy (Nghệ An) một người phụ nữ dấu tên cẩn thận đóng từng chiếc phong bì, trong đó có 500 ngàn đồng. Chị đứng chờ đến 24 giờ đêm để trao món quà này động viên bà con. Số phong bì được chị đựng trong thùng carton với lời nhắn gửi yêu thương “Mỗi người đi xe máy về quê, vui lòng nhận một phong bì 500k”.
Tại cầu Bến Thủy (Nghệ An) một người phụ nữ dấu tên âm thầm, cẩn thận đóng từng chiếc phong bì trong đó có 500 ngàn đồng và chờ đợi bà con đi xe máy từ TP HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê qua chốt để trao tặng.
Vì hoàn cảnh, không thu nhập, không việc làm nên anh Xồng Bá Xò đã quyết định đưa vợ mới sinh cùng đứa con 9 ngày tuổi trở về Nghệ An từ Bình Dương trên chiếc xe máy cũ nát. Nhận được thông tin, anh Trần Hoàng Vương ở Thanh Khê (Đà Nẵng) cùng mấy người bạn đã thức cả đêm “canh” chờ xe máy của anh Xồng Bá Xò và vợ con khi về đến Đà Nẵng để giúp đỡ. Sau khi đón được gia đình anh Xò, Anh Vương đã thuê xe ô tô để chở gia đình anh Xò về Nghệ An, đồng thời biếu thêm ít tiền để gia đình về chăm sóc cho cháu bé. Còn chiếc xe máy hư hỏng đã được anh Vương giữ lại đưa đi sửa chữa, sau đó gửi ra nhà cho anh Xò.
Khi những đứa con xa về trong vòng tay quê mẹ
Khi về đến nơi chôn rau cắt rốn, họ thông báo cho chính quyền địa phương và khai báo y tế để được cách ly theo quy định, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tại các cơ sở cách ly tập trung, nhiều băng rôn chào đón họ, khi nhìn vào đó mới thấy ấm lòng biết bao “Quê hương là mẹ hiền – Về với vòng tay yêu thương”. Tại các điểm cách ly rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra tổ chức nấu các suất ăn từ thiện miễn phí cho bà con hồi hương. Dù có đi đâu, quê hương vẫn là nơi mà mỗi con người đất Việt luôn hướng về, đúng như lời của một bài hát “Đi xa càng muốn về – khổ đau càng muốn về – để tình mẹ ấp yêu- ôi thương biết bao nhiêu…”
Tại các cơ sở cách ly tập trung, nhiều băng rôn chào đón bà con, khi nhìn vào đó mới thấy ấm lòng biết bao “Quê hương là mẹ hiền – Về với vòng tay yêu thương”.
Hành trình 2 ngày 3 đêm trên chiếc xe máy về đến Can Lộc (Hà Tĩnh), anh Trần Văn Hoàng và mọi người trong đoàn ai cũng mệt nhoài. Anh chia sẽ, khi nhìn thấy tấm biển “Hà Tĩnh kính chào quý khách” trên đường quốc lộ, nước mắt tôi đã chực trào ra. Về đến quê rồi, một cảm giác xúc động mãnh liệt mà có lẽ ai trong hoàn cảnh chúng tôi mới có thể cảm nhận được. Có những lúc chân tay như tê dại vì lái xe suốt hành trình dài, được bà con bên đường mang ô ra che nắng, được uống những cốc nước mát lạnh như tỉnh cả người. Trong suốt hành trình không có quán cơm nào mở cửa, tiền nong mang theo cũng hạn chế, thật may mắn đi đến tỉnh nào cũng được bà con và các tổ chức làm cơm phát miễn phí, có nơi còn chuẩn bị các chai xăng đóng sẵn để tiếp thêm nhiên liệu cho chúng tôi. Ban ngày chúng tôi cắm đầu chạy cho kịp đoàn, tối về vạt cỏ bên đường là nơi chúng tôi nằm ngủ. Về đến quê hương là mừng lắm, chúng tôi rất cảm động và biết ơn vô hạn khi nhận được những ân tình của nhiều cá nhân, tổ chức giúp đỡ đoàn về đến nơi an toàn.
Tại các điểm cách ly rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra tổ chức nấu các suất ăn từ thiện miễn phí cho bà con hồi hương.
Đâu đó trong suốt hành trình từ Nam đến Bắc, các tình nguyện viên thức thâu đêm trên tuyến QL1A. Họ có rất nhiều nhóm, nhóm bảo dưỡng xe máy; nhóm tiếp ứng xăng dầu; nhóm lo bánh mì sữa và nước uống, nhóm đóng gói từng suất ăn, từng chiếc bánh hay hộp sữa cho trẻ nhỏ… Giữa họ chẳng chút tình thân, cũng không hề quen biết… nhưng họ có chung một nguồn cội, là “Con rồng cháu tiên”, là “Con dân đất Việt”. Và mỗi ngày, hàng đoàn xe lại tiếp tục hành trình về quê hương, cũng đồng nghĩa với hàng ngàn tấm lòng, hàng trăm tốp tình nguyện đang chờ đợt để tiếp sức cho họ. Tình người là điều thiêng liêng và là hồn cốt của mỗi người dân Việt Nam, họ yêu thương, âm thầm và sẻ chia mỗi ngày.
Trên hành trình trở về quê hương, không một ai bị cô độc, họ được yêu thương chia sẻ trong suốt chặng đường dài. Quê hương dang tay đón họ, ôm ấp những đứa con xa hương trở về. Cầu mong tất cả bình an! Cầu mong dịch bệnh sớm đẩy lùi! Cảm ơn tất cả tấm lòng đong đầy yêu thương, ngập tràn tình người trong mùa dịch.
Ngọc Trâm