Cảm cúm
Là bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa với các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt xì, ớn lạnh, ho, đau họng, chóng mặt, nhức đầu… Cúm tuy là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Cách phòng, chống cúm: Cần ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, giữ gìn vệ sinh cá nhân và tập thể dục hằng ngày.
Viêm xoang, viêm mũi dị ứng theo mùa
Mỗi khi thời tiết thay đổi, căn bệnh xoang hay viêm mũi dị ứng theo mùa khiến người nhiễm bệnh sổ mũi hắt hơi liên tục. Để phòng, tránh các bệnh này, tốt nhất là luôn giữ không gian sống, làm việc được sạch sẽ, thoáng mát. Người bệnh tuyệt đối tránh gió thổi trực tiếp vào mặt, tránh khói bụi. Luôn giữ ấm cơ thể, nên đeo khẩu trang, tránh tắm khuya, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Ảnh minh họa
Viêm đường hô hấp
Các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… thường xuất hiện khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là với trẻ em và người cao tuổi. Khi bị ho, đau họng, sốt, người dân không nên tự ý uống thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, mà cần được bác sĩ khám và điều trị. Để phòng bệnh đường hô hấp, cần mặc đủ ấm, ăn đủ chất.
Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói… là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản… Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sống sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế mắc bệnh.
Đau xương khớp
Thời tiết thay đổi là các bệnh xương khớp lại hoành hành, nhất là với người cao tuổi. Cách phòng, chống tốt nhất là tập thể dục đều đặn, tránh tắm khuya, không tắm nước lạnh; luôn mặc đủ ấm, đặc biệt là khi ngủ và sau khi tắm.
Hoàng Anh