Những thói quen ăn uống lành mạnh giúp cơ thể tăng sức đề kháng

Hoàng Anh|28/08/2021 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dịch COVID-19 kéo dài, việc ăn uống và sinh hoạt khoa học là biện pháp tốt nhất để có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tinh thần thoải mái, lạc quan, vượt qua stress.

Bổ sung dinh dưỡng, tăng sức khỏe thể chất và tinh thần

Trước đại dịch, người dân vẫn thường xuyên ra đường để làm việc, cơ thể luôn vận động, cần cung cấp nhiều năng lượng từ nhóm chất protein là chủ yếu. Nhưng hiện nay phần lớn người dân làm việc tại nhà, kể cả trẻ nhỏ và người già cũng hạn chế hoạt động.

Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất có đặc tính tăng cường miễn dịch lại được ưu tiên hơn.

Vitamin C là chất dinh dưỡng cần thiết giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh,… hay các loại quả như dứa, dừa, dưa lưới,… là những nguồn rất giàu vitamin C.

Ngoài việc ăn tươi, có thể pha chế những loại trái cây trên dưới dạng nước ép thì vẫn giữ được dưỡng chất tăng cường đề kháng.

Ảnh minh họa

Rau xanh chứa nhiều vitamin C, E và chất chống oxy hóa. Một số loại giúp tăng cường miễn dịch hạn chế cảm cúm như rau bó xôi, rau cải, bí đỏ…

Khi ở nhà, cơ thể ít vận động, việc bổ sung rau xanh thay thế cho hàm lượng tinh bột cũng giúp cơ thể ngăn ngừa béo phì, cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng. Một số loại rau xanh như súp lơ, măng tây, rau chân vịt… có tác dụng giúp cơ thể giảm bớt căng thẳng, stress.

Magie rất có lợi cho sức khỏe tim mạch và não, giúp ngăn ngừa thiếu hụt khoáng chất và bệnh mãn tính. Bổ sung magie thông qua các loại thực phẩm như: gà, cá hồi, các loại hải sản… giúp tăng đường huyết cũng như cân bằng hormone trong cơ thể.

Đặc biệt magie đóng vai trò quan trọng trong việc giảm rối loạn tâm trạng, bao gồm trầm cảm và lo âu, của nhiều người hiện nay khi phải ở nhà thường xuyên.

Cần uống 8 – 10 ly nước mỗi ngày nhằm giúp quá trình phân phối chất dinh dưỡng đến tế bào cơ thể được diễn ra nhanh chóng. Khi được cung cấp đủ nước, cơ thể chúng ta sẽ trở nên hưng phấn và tràn đầy năng lượng hơn.

Những điều cần lưu ý trong việc ăn uống

Trong mùa dịch, các mầm bệnh có thể xuất hiện ở mọi nơi kể cả bề mặt thực phẩm, vì thế chúng ta nên ăn chín uống sôi, cần thiết hãy tráng nước sôi đồ dùng trước khi ăn uống. Hạn chế tối đa các món chiên, nướng vì những loại thực phẩm này có thể gây suy yếu hệ thống miễn dịch và tích tụ các mầm bệnh.

Đi chợ qua hình thức online được ưa chuộng nhiều hơn, người dân cần phải thận trọng trong việc lựa chọn mặt hàng, tránh thực phẩm ôi thiu, hàng cũ, hàng bán chậm.

Hạn chế mua các loại thức ăn, đồ hộp chế biến sẵn không bảo đảm dưỡng chất vì đã trải qua quá trình chế biến, đóng gói công nghiệp. Nên đặt mua ở những cơ sở có uy tín như siêu thị, bách hóa – hầu như các chuỗi cung ứng này đều có hình thức bán hàng online giao tận nhà.

Khi làm việc tại nhà, nhiều người có thói quen sử dụng nước ngọt có ga hoặc thức uống có chứa caffeine để giúp cơ thể tỉnh táo, tập trung hơn. Tuy nhiên, điều này rất có hại cho sức khỏe.

Đặc biệt, cần hạn chế áp dụng các phương pháp giảm cân, detox thanh lọc cơ thể, khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất. Khi không ăn uống đầy đủ và đúng cách, hệ miễn dịch cơ thể rất dễ bị phá vỡ khiến cho mầm bệnh dễ xâm nhập.

Tìm các hình thức vận động thay thế khi không thể đến các phòng tập hay chạy bộ ngoài trời mùa dịch. Yoga hay thiền là các thể loại tập luyện nhẹ nhàng phù hợp ở nhà được khuyến cáo giúp cơ thể giảm căng thẳng và tập trung hơn trong công việc.

Hạn chế uống rượu

Rượu không phải là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Uống rượu không bảo vệ khỏi COVID-19 và có thể nguy hiểm. Uống rượu thường xuyên hoặc quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị tổn thương ngay lập tức, cũng như gây ra các ảnh hưởng lâu dài hơn như tổn thương gan, ung thư, bệnh tim và bệnh tâm thần. Không có mức tiêu thụ rượu an toàn.

Dọn dẹp và sắp xếp lại tủ lạnh

Nên tạo một môi trường ăn uống lành mạnh xung quanh mình. Hãy tích trữ những món ăn nhẹ lành mạnh như các loại hạt, sữa chua, trái cây để ăn khi bạn thấy đói giữa các bữa ăn. Tủ lạnh ở mỗi gia đình dường như đều gặp phải vấn đề quá tải thực phẩm.

Một khi tủ lạnh dồn ứ quá nhiều không chỉ kiến phát sinh vi khuẩn mà còn tốn rất nhiều tiền điện do phải mất nhiều thời gian để lục lọi tìm thức ăn. Dọn dẹp, vứt những đồ ăn hết hạn sử dụng, hạn chế ăn những đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe và sắp xếp tủ lạnh một cách khoa học giúp bạn thoải mái và tiết kiệm thời gian mỗi khi vào bếp. Ngoài ra việc dọn dẹp cũng giúp bạn thấy thư giãn hơn trong những ngày dịch bệnh như thế này.

Hoàng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thói quen ăn uống lành mạnh giúp cơ thể tăng sức đề kháng