(Moitruong.net.vn) – Từ ngày tờ báo Thanh Niên ra đời số đầu tiên (21/6/1925) đến nay, nền báo chí Việt Nam đã trải qua chặng đường 92 năm xây dựng và phát triển. Để có được những thành tựu trong lĩnh vực báo chí, không thể không kể tới sự đóng góp, cống hiến của những “cây cổ thụ” trong làng báo chí cách mạng dân tộc. Hãy cùng Môi trường và Cuộc sống tìm hiểu về sự nghiệp làm báo của những cây bút gạo cội này.
Nhà báo Nguyễn Ái Quốc: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là người đặt nền móng cho nền báo chí Cách mạng. Sinh thời, người luôn quan niệm, báo chí là công cụ sắc bén để bảo vệ chính nghĩa, đấu tranh để giành độc lập cho dân tộc, đất nước… Chính vì nhận thức sâu sắc vai trò của báo chí trên mặt trận tư tưởng nên ngay từ khi còn trẻ, Nguyễn Ái Quốc đã ý thức trong việc sử dụng ngòi bút để đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Bài báo đầu tiên Người viết là trên đất Pháp, đăng trên tờ L’Humanité (Báo Nhân Đạo) có tên “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Năm 1925, Người sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam – báo Thanh Niên nhằm tuyên truyền cách mạng cho chiến sĩ yêu nước ở Việt Nam khi ấy.
Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng
Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng: Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947) là một chiến sĩ yêu nước sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam. Cả cuộc đời cụ gắn liền với những hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp, trong đó giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ nhất cũng là lúc cụ làm chủ bút tờ báo Tiếng Dân (từ năm 1927). Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã viết hàng nghìn bài báo đấu tranh chống thực dân Pháp. Và tên tuổi của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với tờ báo Tiếng Dân. Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đến với nghề báo khá muộn, lúc đó cụ đã 51 tuổi, với sở trường là viết tạp bút. Cụ đã từng tuyên bố: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.
Nhà báo Trần Lâm
Nhà báo Trần Lâm: Ông tên thật là Trần Quảng Vận (1922-2011), là một trong những người sáng lập và là người đầu tiên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, liên tục phụ trách Đài tiếng nói Việt Nam trong 43 năm (1945–1988). Có thể nói nhà báo Trần Lâm chính là người đặt nền móng cho ngành phát thanh, truyền hình Việt Nam từ những ngày đầu lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông đã góp phần quan trọng giúp Đài Tiếng nói Việt Nam hoàn thành sứ mệnh vẻ vang phục vụ hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhà báo Trần Lâm thực sự trở thành một trong những nhà báo tiêu biểu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Hữu Thọ
Nhà báo Hữu Thọ (1932 – 2015): Ông đến với làng báo Việt Nam rất đặc biệt. Khi đó khoảng ngoài 20 tuổi, ông nhận được cùng lúc hai quyết định nghề nghiệp, một là về làm Bí thư Huyện ủy, hai là về làm việc ở báo Nhân dân. Và ông đã quyết định chọn theo nghề báo để thỏa cái thú thích đi, thích mở tầm nhìn. Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Hữu Thọ được đánh giá là cây bút chính luận xuất sắc của làng báo nước nhà, rất giàu tính chiến đấu nhưng luôn giữ được phong cách điềm tĩnh, mềm mỏng tới lịch thiệp. Nhà báo Hữu Thọ có phong cách đặc biệt khi làm báo là cãi để tìm ra chân lý, để thức tỉnh, để xây dựng.
Nhà báo Xuân Ba
Nhà báo Xuân Ba: Ông tên thật là Trịnh Huyên, sinh năm 1954 tại Vĩnh Lộc – Thanh Hóa. Xuân Ba được mệnh danh là cây bút viết ký với nét sắc sảo và riêng biệt. Bút ký của nhà báo Xuân Ba luôn phô bày sự kiện xã hội, con người qua con mắt, ngòi bút tinh đời, qua cái nhìn văn hóa, lịch sử. Cũng chính vì vậy mà ông được gọi là “Vũ Trọng Phụng thời hiện đại”. Với những đóng góp to lớn của mình cho nền báo chí nước nhà, ông được đánh giá là một nhà báo gạo cội, có tiếng nói trong nền báo chí Việt Nam.
Thủy Chi(t/h)