Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2021

Minh Hiền|31/12/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ 1/1/2021, nhiều luật được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực. Đây là những luật, bộ luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống xã hội.

Áp dụng chính sách về hưu trước tuổi mới

Nghị định số 143 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108 về chính sách tinh giản biên chế đã bổ sung một số chính sách như về hưu trước tuổi.

Theo đó, đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Đồng thời, nhóm này cũng được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Ðối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu

Nghị định 135 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1/1.

Theo đó, nghị định nêu rõ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Ảnh minh họa.

Nghị định cũng quy định người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu) nếu có đủ từ 15 năm trở lên làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên… cũng thuộc đối tượng có thể nghỉ hưu sớm.

Tăng mức hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến tỉnh

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 ( sửa đổi, bổ sung 2014 ), người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (Hiện hành là 60%).

Quy định trên được hiểu như sau: Ví dụ một người có thẻ bảo hiểm y tế thuộc đối tượng có mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp đi khám chữa bệnh đúng tuyến thì:

– Hiện nay, đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 48% chi phí điều trị nội trú).

– Từ 1/1/2021, đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 100% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 80% chi phí điều trị nội trú).

Mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng

Theo nội dung được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thì trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ưu đãi đầu tư công nghệ cao, năng lượng sạch

Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ chín, gồm bảy chương, 77 điều và bốn phục lục, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo đó, các hoạt động bị cấm đầu tư kinh doanh và sản xuất, sử dụng gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã và mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I khai thác có nguồn gốc từ tự nhiên…

Nghiêm cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Đồng thời, Luật cũng nghiêm cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh như: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Bên cạnh đó, Luật đã cập nhật đối tượng được ưu đãi đầu tư, phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước. Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế).

Theo đó, đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…

Viện kiểm sát được quyền giám định hình sự

Từ 1/1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp chính thức có hiệu lực.

Theo luật mới, các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự gồm Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng và Phòng Giám định kỹ thuật của Viện KSND tối cao.

Trong đó, phòng giám định của viện kiểm sát thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của phòng giám định hình sự thuộc đơn vị mình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đây là điểm mới so với luật giám định cũ.

Điều kiện an toàn về PCCC

Có hiệu lực từ ngày 10/1/2021, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới.

Người dân được phép bắn pháo hoa không tiếng nổ trong dịp lễ Tết, sinh nhật

Theo Điều 17 Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, từ 11/1/2021 khi Nghị định này có hiệu lực, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (đủ 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…) được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương… Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, DN được Bộ Quốc phòng cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Đồng thời, Nghị định cũng giải thích rõ, pháo hoa khác với pháo hoa nổ. Loại pháo hoa người dân được sử dụng là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp… tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ (Điều 3 Nghị định 137/2020).

Minh Hiền

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2021