Những điểm đổi mới trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp

Dương Đại Tiến|20/03/2018 01:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hội thảo “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp”

(Moitruong.net.vn) – Ngày 16/3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo quốc gia “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp”. Tại hội thảo nhiều quy định mới về lĩnh lực lâm nghiệp được đưa ra.

Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có trên 200 đại biểu là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đại diện của 63 tỉnh tới dự.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo gồm 10 chương, 116 điều và phần phụ lục. Ngoài kế thừa những quy định trước đó về lĩnh vực Lâm nghiệp, Dự thảo có nhiều điểm sửa đổi mới, đáng lưu ý như tiêu chí xác định 03 loại rừng, điều kiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên, vấn đề về tổ chức cơ quan chuyên môn lâm nghiệp ở địa phương. Trong những nội dung này, điểm mới nhất là quy định về quản lý gỗ theo chuỗi trong quá trình sản xuất, chế biến và thương mại.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá rất cao các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, xem xét hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ với chất lượng tốt nhất.

Rừng tự nhiên được bảo vệ tốt tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Được biết, đây là một trong bốn Nghị định quan trọng đã được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo để hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Các Nghị định còn lại gồm: Nghị định quy định chi tiết về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp. Nghị định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Luật Lâm nghiệp được Quốc Hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải nỗ lực rất cao mới hoàn thành bốn Nghị định trên để trình Chính phủ ban hành, sau đó kịp thời triển khai áp dụng thực hiện.

Dương Đại Tiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm đổi mới trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp