Theo đó, có những nội dung quan trọng về xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đặc thù, đồng thời quy định về chế độ đặt hàng đào tạo.
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, ngành Giáo dục mầm non trình độ CĐ.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định tại khoản 3, Điều 4 của dự thảo Quy chế.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Dự thảo Quy chế cũng quy định, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển. Cụ thể: Việc công bố các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc:
Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp); Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán, Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Nguyên tắc xét tuyển gồm: Thí sinh có đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 của Quy chế này và đáp ứng yêu cầu của trường có quyền ĐKXT; Thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của Quy chế này và được làm tròn đến hai chữ số thập phân; Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Đối với tuyển sinh đào tạo theo đặt hàng, dự thảo Quy chế quy định: Việc tuyển sinh do Nhà nước đặt hàng đào tạo thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn Kinh phí chi thường xuyên.
Việc tuyển sinh do các chủ thể khác đặt hàng đào tạo và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thực hiện theo hợp đồng giữa các bên liên quan, không trái với quy định của pháp Luật; Văn bản giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc thỏa thuận giữa các bên và các thông tin liên quan phải được đưa vào thành phụ lục của đề án tuyển sinh.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định của Quy chế này. Điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng, không thấp hơn điểm trúng tuyển của ngành đào tạo. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không tuyển đủ lao động theo nhu cầu sử dụng, cần đặt hàng đào tạo và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm (một điểm) so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30.
Các nội dung khác trong công tác tuyển sinh đào tạo theo đặt hàng do các trường quy định, không trái với các quy định tương ứng của Quy chế này và chịu trách nhiệm giải trình. Phương thức tuyển sinh: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, do các trường quyết định. Nếu tổ chức thi tuyển thì phải thực hiện theo quy định tại các điểm a và b Điều 15 của Quy chế này.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do cơ sở đào tạo quy định và chịu trách nhiệm giải trình.
Tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ. Riêng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào được quy định như sau: Các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – hàm – mặt, Dược học phải đạt một trong 3 tiêu chí sau: Học lực lớp 12 đạt loại giỏi hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa THPT đạt từ 8,0 trở lên, hoặc tốt nghiệp THPT loại giỏi, hoặc tốt nghiệp trình độ CĐ hoặc trung cấp đạt loại giỏi…
Đáng chú ý, các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng ngoài quy định đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: 3 năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi, hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Minh An (T/h)