Những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn

Phúc Minh|03/08/2024 09:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong quan niệm của dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm được xem là tháng cô hồn. Người xưa quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là rằm tháng 7 được xem là ngày "xá tội vong nhân", cần tránh nhiều điều để không chịu xui xẻo. Vậy nguồn gốc tháng cô hồn bắt nguồn từ đâu và tháng cô hồn phải kiêng những gì theo phong tục?

Nguồn gốc tháng 7 cô hồn

Ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) bắt nguồn từ việc Ngọc Hoàng cho Diêm Vương mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để ma đói quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế, theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho ma quỷ đói để ma quỷ không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.

Ở Việt Nam, theo dân gian, người Việt cúng tháng 7 âm lịch kéo dài 1 tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng 7 âm lịch là tháng không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.

thang-co-hon.jpg
Trong quan niệm của dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm được xem là tháng cô hồn.

Trong tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng Cô hồn còn có lễ Vu Lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu - một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ nên cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.

Tháng cô hồn và lễ Vu Lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn ở rất nhiều các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông. Ở Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7/7 Âm lịch và cả ngày rằm tháng bảy. Ở Đài Loan, ngày lễ này được kéo dài cả tháng nhưng thông thường thường tập trung vào ngày 15 của tháng với 3 phần khác nhau.

Cúng tháng 7 âm lịch là một tín ngưỡng dân gian quan trọng. Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian ta còn tương truyền cả những điều con người nên làm và không nên làm trong tháng 7 âm lịch để cho cầu mong được bình an, hạnh phúc.

Tháng 7 âm lịch, tháng cô hồn kiêng những gì?

Trong dân gian có truyền miệng nhiều điều cần kiêng kỵ trong tháng cô hồn với quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Dưới đây là một số tục kiêng trong thángcô hồn và lý giải về chúng.

Tháng cô hồn kiêng đi chơi đêm


Dân gian tin rằng vào tháng 7 Âm lịch, Diêm vương mở cửa Quỷ môn quan để cho ma quỷ, cô hồn được trở lại cõi trần, đến tối ngày rằm chúng phải quay về vì cửa ngục sẽ đóng lại. Vì thế trong nửa đầu tháng 7, nhiều người tránh đi chơi đêm - khoảng thời gian được cho là âm khí nặng nhất - để không bị ma quỷ trêu ghẹo, quấy nhiễu.

Thậm chí vào ban ngày, nhiều gia đình còn không cho trẻ con ra đường chơi một mình vì sợ ma quỷ sẽ lừa dẫn đi những nơi nguy hiểm. Người già cũng hay dặn con cháu tránh xa ao, hồ, sông nước trong những ngày này.

Kiêng nhặt tiền rơi


Đây là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch mà các cụ già hay nhắc nhở con cháu. Khi làm các lễ cúng trong tháng cô hồn, nhiều người rải tiền lẻ để mua chuộc quỷ đầu trâu mặt ngựa, hoặc để bố thí cho các vong hồn.

Nhiều người sợ rằng nếu nhặt tiền rơi trong khoảng thời gian này, rất có thể họ sẽ nhặt phải những đồng tiền cúng đó và phải thay người rải tiền hứng chịu những rủi ro, tai họa, hoặc bị ma quỷ quấy nhiễu vì "giành phần" của chúng.

Kiêng đốt vàng mã linh tinh


Tháng 7 Âm lịch là khoảng thời gian người ta tiêu thụ lượng vàng mã lớn nhất. Tuy vậy nhiều người vẫn nhắc nhau cẩn thận khi đốt, không được đốt tùy tiện vì có thể khiến ma quỷ đang lang thang khắp nơi vây lấy bạn để kiếm chác, khiến cuộc sống không được bình an.

Trên thực tế, việc đốt vàng mã vừa gây tốn kém, ô nhiễm môi trường vừa tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, vì vậy đây là hoạt động được khuyến cáo không nên thực hiện.

Kiêng ăn vụng đồ cúng cô hồn


Trẻ con ăn vụng đồ cúng là chuyện vẫn hay xảy ra, nhưng riêng mâm cỗ cúng cô hồn thường được người lớn canh chừng đặc biệt cẩn thận, không để trẻ sờ cho đến khi hương cháy hết, mọi nghi thức hoàn tất.

Điều này cũng xuất phát từ quan niệm cô hồn dã quỷ xuất hiện khắp nơi trong tháng 7 Âm lịch, trong đó có nhiều quỷ đói. Mâm cỗ cúng chúng sinh là dành cho những đối tượng này, nếu sờ vào sẽ chọc giận ma quỷ, khiến chúng nổi giận và gây rối.

Kiêng chi khoản tiền lớn


Đây là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch được rất nhiều người làm nghề buôn bán tuân thủ. Không ít người, đặc biệt là người kinh doanh, thường kiêng xuất tiền, trả nợ trong ngày mùng 1 Âm lịch nói chung vì sợ hao tài tán lộc.

Với tháng cô hồn, sự kiêng cữ này thường kéo dài quá rằm, thậm chí hết tháng. Đương nhiên, hiếm ai sống cả tháng mà không phải chi tiền, người ta chỉ hạn chế xuất những món tiền lớn, hạn chế chi tiền trả nợ.

Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm và phụ thuộc vào quan niệm, niềm tin của mỗi người. Dân gian thường sống bằng kinh nghiệm nhằm đáp ứng tâm lý hướng đến sự an toàn của cá nhân và cộng đồng. Dù vậy, cái gì nhiều quá thì cũng không tốt. Suy cho cùng, dù hành lễ ở đâu quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Con người thường xuyên làm việc thiện, giúp đỡ người khác thì dù trong hoàn cảnh nào, bản thân họ cũng cảm thấy an yên.

*Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Bài liên quan
  • Những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài mà bạn nên biết
    Theo quan niệm, ngày vía Thần Tài rơi vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch nên vào ngày này các gia đình thường sắm sửa lễ cúng để cầu tài lộc. Dưới đây là những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài mà bạn nên biết để có một năm buôn bán thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn