Những món ăn “giết sâu bọ” trong ngày Tết Đoan Ngọ

Yến Anh (T/h)|18/06/2018 01:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan dương là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người dân Việt Nam thường ăn bánh tro, cơm rượu nếp và những loại quả có vị chua để diệt sâu bọ.

>>>Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta thường làm gì?

Những món ăn thường được sử dụng trong ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan dương là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong năm. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ.

TS Nguyễn Ngọc Thơ – Phó Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM cho rằng: “Ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của phong tục Tết Đoan Ngọ là “giết sâu bọ”. Theo đó, quan niệm dân gian xưa cho rằng, trong hệ tiêu hóa thường có ‘sâu bọ’ (giun sán, ký sinh trùng) nếu không trừ đi sẽ khiến chúng sinh sản ngày một nhiều và gây hại. Tuy nhiên, việc tiêu diệt chúng không phải lúc nào cũng có thể làm được. Chỉ có ngày mùng 5/5 Âm lịch hằng năm chúng mới ngoi lên, là cơ hội để trừ khử”.

Sau đây, Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn xin giới thiệu đến quý độc giả một số món ăn mà người Việt Nam thường sử dụng để diệt trừ sâu bọ trong cơ thể trong ngày Tết Đoan Ngọ:

Cơm rượu nếp: Theo truyền thống, người xưa thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để “giết sâu bọ” – những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Và cơm rượu nếp là món ăn thường được được dùng để diệt giun sán. Người xưa cho rằng, ăn cơm rượu nếp khi bụng đói sẽ khiến cho giun sán “say” và chết.

Bánh tro hay còn gọi là bánh ú tro là loại bánh truyền thống của người Việt Nam trong ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh tro: Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Vì vậy bánh tro theo ông bà xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.

Hoa quả đúng mùa: Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa cũng được xem là một phương thuốc diệt sâu bọ. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

Uống nước lá: Ở một số địa phương vào dịp tết Đoan Ngọ, người dân thường đi chợ mua lá về uống – gọi là nước lá mùng năm. Nước lá mùng năm gồm các loại cây cỏ (có cả các loại thuốc Nam) có tác dụng tiêu thực, giải nhiệt, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Yến Anh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những món ăn “giết sâu bọ” trong ngày Tết Đoan Ngọ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.