Những người “đưa biển lên rừng”

Mai Thắng|12/04/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bên cạnh kiếm tiền mưu sinh, họ còn giúp bà con dân tộc Chơ ro có cái ăn giữa mùa đại dịch Covid. Họ là những vạn chài ở làng chài Phước Tỉnh, Bà Rịa Vũng Tàu -người dân quen gọi là những người “đưa biển lên rừng”.

Để chuyển cá, tôm, mực khô cho đồng bào dân tộc Chơ ro hoặc người dân giữa rừng Bưng Riềng xa lắc, những vạn chài đã làm lụng rất nhiều khâu từ xẻ cá, phơi khô đến đóng gói vận chuyển. Bên cạnh kiếm tiền mưu sinh, họ còn giúp bà con dân tộc Chơ ro có cái ăn giữa mùa đại dịch Covid. Họ là những vạn chài ở làng chài Phước Tỉnh, Bà Rịa Vũng Tàu -người dân quen gọi là những người “đưa biển lên rừng”.

Để cá khô ngon, thơm, vệ sinh an toàn, người dân làng chài Phước Tỉnh đeo găng tay, khẩu trang mỗi khi trở cá giữa trưa nắng, ảnh Vũ Phong

Bốn đời làm nghề không chất phụ gia

Cảng cá Phước Tỉnh chiều cuối tuần thời covid không tấp nập người mua kẻ bán như trước đây. Vài phụ nữ nhặt cá bò, mấy trẻ em giúp mẹ bưng rổ cá phơi khô, người thanh niên lực lưỡng thu lưới cho chuyến đi biển mới. Chị Nguyễn Thị Thu Ba – một trong nhiều người xẻ cá phơi khô lâu năm nhất ở cảng cá này cho biết, gia đình chị làm nghề này từ đời ông nội. Đồ khô (cá, mực, tôm) chuyển đi nhiều nơi, trong đó có bà con người dân tộc Chơ ro ở Bưng Riềng, Xuyên Mộc. Nơi đó không có đồ biển. Đang đỉnh mùa đại dịch, vừa mưu sinh, nhưng cũng giúp bà con có đồ ăn trong lúc khó khăn này

Khác với ngày thường, mùa dịch covid cảng cá Phước Tỉnh dường như sạch hơn, gọn gàng hơn. Một mặt do ý thức của bà con dọn dẹp ngăn nắp, một mặt chính quyền xã thường xuyên đến kiểm tra vệ sinh môi trường phòng chống bệnh dịch. Chỉ tay về phía có hàng chục giàn phơi cá khô giữa trời nắng chang chang, chị Ba bảo: “Tôi đố chú tìm thấy con ruồi nào đấy. Nhiều người đến đây cứ nghĩ chúng tôi phun thuốc chống ruồi, hoặc thuốc chống mốc, nhưng không phải. Điều quan trọng nhất là cách làm thôi”.

Cảng cá Phước Tỉnh xanh, sạch trước và sau những tàu cá từ biển trở về, ảnh Mai Thắng

“Bật mí” công nghệ phơi cá tươi không có ruồi nhặng đậu, chị Ba cho hay: “Khi tàu đưa cá từ biển về, phải xuống tận khoang để “điểm mặt”. Khay tươi tôi mới mua, ươn thì thôi. Cá tươi phải rửa sạch nước biển ngay, xẻ luôn và đem phơi giữa nắng. Để tuyệt đối không cho ruồi nhặng đậu, tôm cá phải được phơi trong lưới. Cá tôm ở trong đó thì yên tâm. Muốn đồ khô thơm thì dưới vị trí phơi phải sạch sẽ, tránh bụi cát. Có một điều nhiều người không biết, nếu cá tươi đem rửa nước ngọt (nước máy-PV) rồi xẻ phơi khô thì ươn ngay, và chắc chắn thịt không thơm, không dai mà dễ mốc. Đó là bí quyết làm nghề mà làng chài Phước Tỉnh này ai chẳng rành”.

Như để chứng minh công tác vệ sinh an toàn phòng dịch được đặt lên hàng đầu, chị Ba dẫn tôi vào kho cá của gia đình chị. Đó là một “công terno” cá, mực, ruốc khô xếp ngay ngắn trên các giá gỗ. Mỗi giá cách xa nhau 20 cm, loại nào ra loại đó. “Nhiều vậy đấy nhưng cung không đủ cầu. Hàng chúng tôi chuyển đi cả đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Những tôm cá loại nhỏ chuyển bán cho bà con dân tộc thiểu số với giá hữu nghị. Dù dân biển, nhưng nhiều người vẫn thích “ăn khô” (cá mực khô-PV).

Giải thích tại sao giá để tôm, cá, mực khô phải đóng bằng gỗ, chị Ba phân trần: “Nếu làm bằng sắt thép dễ thôi, lại nhanh nữa, nhưng cá mực khô sẽ nhiễm sắt, nhiễm chì có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Hơn nữa, chỉ sau một thời gian, sắt thép gỉ sét bám vào mực cá thì có ăn cũng không ngon. Làm nghề cần có cái tâm mới bền lâu được. Giá cả có nhỉnh đôi chút, nhưng sức khoẻ của người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu. Gia đình tôi bốn đời làm nghề khô, hồi nào tới giờ lấy chữ tín niềm tin làm trọng, bởi vậy chưa bao giờ ế hàng cả. Càng mùa covid này, hàng càng khan hiếm. Tàu cũng cách ly đâu ra biển mà có cá về”, chị Ba chia sẻ

Khô đuối – đặc sản của người dân Phước Tỉnh, ảnh Vũ Phong 

“ Đưa biển lên rừng” và tấm lòng người thương lái

Đó là cách nói “hoa mĩ” của người dân Phước Tỉnh hàm ý nói tránh những người làm nghề xẻ cá khô vẫn bị “chê” là “ngồi cạnh người làm hương còn hơn nằm giường với mụ hàng cá”

Hơn chục năm qua làm thương lái cá khô bán cho bà con miền dân tộc Chơ Ro, Bưng Riềng, Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc), ông Trần Văn Hạnh tuần 4 ngày đều như “vắt chanh” đưa cá cho các đại lý. Ở cái tuổi 54 ông Hạnh vẫn như “lực điền” vạm vỡ chẳng khác thanh niên. Một mình ông lái xe chuyển cá khô mà chẳng cần phụ nào giúp đỡ. Ông bảo, làm nghề này lời lãi chẳng bao nhiêu, nhưng được cái không tắt bữa bởi “mua tận gốc, bán cho đại lý”. Điều quan trọng nhất là sản phẩm của ông luôn sạch sẽ, không chất bảo quản, không phụ gia, không ô nhiễm môi trường và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. “Bà con ăn cũng như mình ăn. Nếu cho chất bảo quản vào cá khô, mực khô, đồng ý là để được lâu hơn, không bị mốc, nhưng làm thế khác nào “tự cắt ruột” mình. Lời lãi bao cho đủ, kiếm tiền bao cho vừa, nhưng điều làm tui vui nhất là bán của thật hàng ngon không chất bảo quản độc hại, người mua yên tâm, người bán vui vẻ. Đó cũng là để phúc đức cho con cháu sau này. Ở cái tuổi như tui, không làm dối, làm láo được”- ông Hạnh chia sẻ.

Sau buổi mưu sinh gần bờ, ảnh Mai Thắng

Có một điều làm chúng tôi phấn khích qua 4 giờ “mục sở thị” ở cảng cá Phước Tỉnh giữa mùa đại dịch Covid, là tất cả những người làm nghề cá, từ buôn cá tươi, đến xẻ cá khô; từ người bán lẻ đến thương lái đều coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động.

Tài công Nguyễn Văn Bé – chủ một ghe cá đánh bắt xa bờ trở về sau hơn một tháng đánh bắt hải sản ở khu vực thềm lục địa phía Nam. Đây là chuyến thứ hai kể từ sau tết nguyên đán. Trước khi tàu cá của ông cập bến, vợ ông- bà Nguyễn Thị Liên đã chuẩn bị tấm bạt lớn trải trên sân cảng nơi tàu các đậu để chuyển cá tươi lên. Bà Liên bảo, làm như vậy để nước cá không chảy ngược xuống, tránh “ô nhiễm ngược dòng”. Mặt khác, cá cũng sạch hơn vì có tấm lót. Sau khi chuyển cá lên bờ lùi ra xa để phòng chống dịch, sân cảng được dọn sạch sẽ ngay sau đó

Cá đù trắng tươi nguyên trước khi thành phẩm “đặc sản khô”, ảnh Vũ Phong

Tuần đầu của tháng tư là “đỉnh điểm” của mùa dịch Covid 19, và đây cũng là thời gian cảng cá Phước Tỉnh “tĩnh lặng” hơn không có những đoàn tàu ra vào cảng tấp nập như trước đây. Tuy nhiên những con tàu đánh bắt xa bờ vẫn rải rác vào ra, đem cá từ biển trở về và ra biển mưu sinh đợt mới. Để rồi sau 30-40 ngày lênh đênh giữa ngàn khơi, tàu của họ đầy ắp những khoang cá, mực tươi không chất bảo quản.

Chuyển những bịch cá tươi rói ướm đá lạnh chưa tan, bưng hững khay mực ống còn bọc nguyên trong bao bảo quản, ông Nguyễn Văn Bé cười phấn khởi nói oang oang trên cầu cảng: “Cá và người Phước Tỉnh chúng tôi đã trở thành thương hiệu từ lâu rồi. Đó là thương hiệu sạch, ngon, an toàn ai cũng biết”.

Mai Thắng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “đưa biển lên rừng”