Những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm an ninh nguồn nước

Minh Trang|22/03/2023 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lập được quy hoạch nước mặt, nước ngầm, cân đối đủ nước, chủ động được nguồn nước cả về số lượng, chất lượng và hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững.

Bức tranh tổng thể việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam

Nói về bức tranh tổng thể thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam những năm qua, GS.TS Trần Đức Hạ - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường – Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho hay, nước ta có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên. Tổng lượng nước mặt hằng năm khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310-320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng trữ lượng nước dưới đất tiềm năng trên toàn quốc khoảng 69 tỷ m3/năm (tương đương 189 triệu m3/ngày), trong đó nước ngọt khoảng 22,3 tỷ m3/năm (tương đương khoảng 61 triệu m3/ngày) phân bố ở 18 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài mét đến vài trăm mét.

bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc.jpg
GS.TS Trần Đức Hạ - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường – Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại Tọa đàm trực tuyến: “Ngày nước Thế giới năm 2023 Thúc đẩy sự thay đổi”

Theo thống kê sơ bộ trên toàn quốc, nguồn nước hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó từ nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (=221 triệu m3/ngày). Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7-9 tháng mùa khô. Trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa.

Nguồn nước phân bố không đồng đều và việc khai thác sử dụng nước cũng không đồng đều.

Việt Nam đối diện với nhiều thách thức an ninh nguồn nước

Do điều kiện tự nhiên, chúng ta phải thường xuyên đối mặt với các thiệt hại và rủi ro thiên tai nghiêm trọng. Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng... đã, đang và sẽ là những thách thức khách quan rất lớn bên cạnh những yếu tố chủ quan cho vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Đức Hạ cho biết, nước ta đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước như thứ nhất, tỷ lệ dân số vùng nông thôn di dời sang đô thị. Thứ hai là vấn đề sử dụng đất không hợp lý. Thứ ba, vấn đề suy thoái tài nguyên rừng. Thứ tư, đất nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có 3260km đường bờ biển kéo dài, vấn đề nước biển dâng, địa hình đồi núi dốc và chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Và vấn đề suy giảm nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước. Nước biển dâng gây nhiễm mặn, chịu tác động lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, tại mỗi địa phương chịu thách thức riêng về nguồn nước và vấn đề chúng ta không kiểm soát được lượng dòng chảy trong và ngoài lãnh thổ.

Liên quan đến xây dựng thủy điện cũng là một thách thức. Đồng thời, ô nhiễm nguồn nước, nước thải sinh hoạt là vấn đề bức bối liên quan đến đô thị, dân cư tập trung.

Hiện nay trên cả nước có 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung, chỉ mới xử lý được khoảng 15% nước thải sinh hoạt tại đô thị, còn lại xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sông, nước mặt.

dam-bao-an-ninh-nguon-nuoc-1.jpg
Mục tiêu trong Kết luận 36 của Bộ Chính Trị về đảm bảo an ninh nguồn nước vào năm 2045. Toàn xã hội thực hiện 9 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

Nhiệm vụ trọng tâm trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước

Đánh giá về việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước tại các địa phương thời gian qua, GS.TS Trần Đức Hạ cho biết: Mục tiêu trong Kết luận 36 của Bộ Chính Trị về đảm bảo an ninh nguồn nước vào năm 2045. Toàn xã hội thực hiện 9 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó có 3 mốc chính, đến năm 2025, phải lập được quy hoạch nước mặt, nước ngầm và những thách thức hiện hữu.

Đến năm 2030, phải cân đối đủ nước.

Đến năm 2045, nước ta chủ động được nguồn nước cả về số lượng, về chất lượng, an ninh và an toàn nguồn nước.

Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, việc thực thi hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm cải thiện, khắc phục những bất cập rất quan trọng.

Chủ động điều hòa tích trữ nguồn nước để phục vụ dân sinh. Nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Nước ta chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, phải chủ động có giải pháp cụ thể phòng ngừa phòng chống thiên tai chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đưa công nghệ chuyển đổi số trong quản lý nguồn nước.

Nước ta có 63 % sông suối chịu ảnh hưởng lượng dòng chảy từ nước ngoài, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đảm bảo chủ động được nguồn nước

Để đảm bảo an ninh nguồn nước cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa các Bộ phải có sự rõ ràng, trách nhiệm rõ ràng.

Nước là tài nguyên hãn hữu, cần nâng cao nhận thức của toàn thể mọi người về vấn đề an ninh nguồn nước cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng tài nguyên nước

Bài liên quan
  • Nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam
    Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm chỉ đạo việc bảo đảm an ninh nguồn nước, đồng thời bố trí nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác này. Tuy nhiên, thực tế do cả chủ quan và khách quan, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến ANNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm an ninh nguồn nước