Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Hà Nội

Ngọc Mai|23/02/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng cao, trong khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, TP Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chủ động bảo vệ nguồn nước.

Với 104 hồ thủy lợi, 105 tuyến sông, kênh dài hơn 799km được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ theo quy định, Hà Nội được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước phong phú. Tuy nhiên, nguồn nước đang có nguy cơ suy kiệt, ô nhiễm. 

Vào mùa kiệt trong những năm gần đây, mực nước sông Hồng liên tục hạ thấp, khiến việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Một số khu vực ở các huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, Mê Linh thường xuyên thiếu nước, phải chuyển đổi sang cây trồng cạn. 

nuoc-ha-noi.jpg
Sông Tô Lịch ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, thành phố còn hơn 8.000ha đất sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện. Trong khi đó, các sông nội đô như sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng. 

Theo ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân như: Tác động của biến đổi khí hậu, thay đổi chế độ dòng chảy; sự phụ thuộc vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước; ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân chưa cao.

Để góp phần quản lý bền vững tài nguyên nước và thực hiện Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình đánh giá thực trạng việc thực thi các quy định pháp luật về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. 

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 100% hộ dân ở thành thị và 85-90% hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sản xuất… Để hoàn thành mục tiêu, UBND thành phố đã tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa. 

Đến năm 2030, thành phố hướng đến mục tiêu cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông Đáy. Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông; hoàn thiện chính sách về nước một cách đồng bộ… 

Thủ đô sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Thành phố cũng xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường nước. 

nuocsach-ha-noi.jpg
Hà Nội xây dựng nhiều giải pháp chủ động bảo vệ nguồn nước.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố giao các sở, ngành điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh; điều tra cơ bản tài nguyên nước, danh mục ao hồ không được san lấp trên địa bàn thành phố… 

Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tham mưu thành phố tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn nước ở từng vùng, địa phương. Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại thời vụ, giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Sở cũng đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng công trình trữ nước để hạn chế ảnh hưởng của lũ rừng ngang trên lưu vực sông Tích, sông Bùi vào mùa mưa, bổ sung lượng nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô. 

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...; Đồng thời, quản lý và kiểm soát chặt việc thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt đối với các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước thải sau xử lý.

Bài liên quan
  • TP Hồ Chí Minh đề xuất có "siêu hồ" để đảm bảo an ninh nguồn nước
    Hiện nay, nguồn nước thô tại TP Hồ Chí Minh được lấy trực tiếp tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, nhưng chất lượng đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp ngắn hạn và lâu dài, trong đó có cả việc nên xây hồ chứa tích trữ nước ngọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Hà Nội