An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung 1 Chương về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước
Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, kể từ khi Luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những tồn tại, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012 như vấn đề về thể chế, khung pháp lý, trong 10 năm trở lại đây việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn tồn tại một số thách thức và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Hiện nay, tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế - xã hội với quy mô dân số nhanh (gần 100 triệu người) kéo theo nhu cầu sử dụng nước lớn; mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực trên lưu vực sông ngày càng lớn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân.
Mặt khác, hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp, rừng đầu nguồn suy giảm và công tác bảo vệ nguồn sinh thuỷ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Từ những bất cập trong thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất những định hướng sửa đổi Luật Tài nguyên nước.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, sớm nhận thức được tầm quan trọng của an ninh nguồn nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tài nguyên nước quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật với Luật Tài nguyên nước năm 2012 và 63 văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành, triển khai Luật.
Thực tế đòi hỏi cần phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu này, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, sửa đổi Luật Tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Luật Tài nguyên nước trên một số nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu cơ bản.
Theo đó, thể chế hóa được quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, do Nhà nước thống nhất quản lý; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, lưu vực.
Đồng thời, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Ngoài ra, kế thừa các nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì cần đề xuất ngay để quy định trong luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao, có thể đề xuất thực hiện thí điểm.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia hiện đại trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái; phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Thống nhất trong quản lý Nhà nước về tài nguyên nước
Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định, lĩnh vực tài nguyên nước bao trùm nhiều địa phương, ngành nghề và thành phần trong xã hội, đồng thời, đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã bước đầu hoàn thành dự thảo Luật. Để hoàn thiện hơn nữa dự án Luật, các đại biểu đưa ra những ý kiến để nhìn nhận những vấn đề còn chồng chéo trong chính sách liên quan đến tài nguyên nước; vấn đề quản lý phát triển và bảo vệ nguồn nước; vấn đề ô nhiễm nguồn nước; vấn đề an ninh nguồn nước; đảm bảo quyền lợi cho người dân được tiếp cận nguồn nước sạch; các doanh nghiệp khai thác sử dụng nguồn nước được công bằng và thực hiện theo đúng quy định pháp luật; vấn đề quản lý hài hòa giữa các ngành kinh tế có sử dụng tài nguyên nước… Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ các nội dung được nêu lên, tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn các chuyên gia từng nội dung cụ thể từ đó đưa ra giải pháp và hoàn chỉnh dự án Luật.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cụ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Do đó, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
Xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu thực tiễn của tài nguyên nước hiện nay, từ đó, đưa ra các quan điểm để giải quyết những chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với các luật khác, thống nhất việc điều tra, quản lý, khai thác sử dụng từ Trung ương đến địa phương.
Tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước đặt ra của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.