Làm gì để quản lý nguồn nước tốt hơn?
Các mục tiêu phát triển của các quốc gia và công cuộc giảm nghèo toàn cầu phải được thực hiện dựa trên nguồn nước đảm bảo, phòng tránh được những tác động hủy hoại của lũ lụt, và cân bằng với đòi hỏi về môi trường. Các quốc gia sẽ phải đảm bảo về nước, quản lý tốt hơn những bất ổn hôm nay cũng như biến đổi khí hậu trong tương lai. Điều đó đòi hỏi Việt Nam và thế giới thay đổi cách tiếp cận về nước…
Thay vì “coi nước là vấn đề địa phương” như trước đây thì nên “coi nước là vấn đề toàn cầu”. Hay trước đây, chúng ta thường đề ra các kế hoạch ngành nước theo phương thức “Lên kế hoạch cho trường hợp chuẩn hóa với xác xuất đã biết” thì hiện nay chúng ta cần phải “Lên kế hoạch cho tương lai với thời tiết ngày càng biến động” và cần phải có nhiều giải pháp thông minh hơn, quyết liệt hơn về hạ tầng, thể chế và thông tin trong ngành nước cũng như quan tâm coi các vấn đề về nước là thách thức liên ngành, liên chức năng.
Phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng nước. Các cấp phải chuẩn bị sẵn sàng để cân nhắc bài toán được/mất, đồng thời, phải bảo vệ môi trường và các đối tượng bị thiệt thòi trong đó có người nghèo.
Để phân bổ tối ưu nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng cần điều chỉnh công tác quản lý nguồn nước hiện tại, tập trung vào cung ứng dịch vụ, thay vì chỉ quan tâm đến hạ tầng. Muốn tập trung vào cung ứng dịch vụ, đòi hỏi phải có sự tham gia của bên sử dụng vào công tác quản lý. Ngoài ra, vai trò công trong điều tiết và giám sát tài nguyên nước là rất quan trọng tại Việt Nam, nhưng nếu muốn huy động vốn cho các dự án cấp thiết hiện nay thì cần xem xét nguồn tư nhân, đồng thời đảm bảo dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.
Trước mắt, theo các chuyên gia ngành nước, chúng ta cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân công trách nhiệm về quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, có việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang được BộTN&MT hoàn thành dự thảo và lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Cùng với việc sửa đổi Luật, cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện quuy hoạch môi trường lưu vực sông; phân vùng xả thải; cấp giấy phép xả thải vào các lưu vực sông; ban hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường lưu vực sông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường.
Cuối cùng phải quy định rõ trách nhiệm giám sát nước thải tại nguồn của cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ nguồn nước. Việc giám sát, kiểm tra nước thải tại nguồn sẽ ngăn ngừa những vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó có những biện pháp cụ thể kịp thời để xử lý.
Tầm nhìn tương lai
Theo đại diện Ngân hàng thế giới, để quản lý nguồn nước tốt hơn, Việt Nam nên quan tâm tới một số vấn đề cơ bản như sau:
Một là, phân bổ nguồn nước cho các nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau đòi hỏi sự quyết tâm và công khai đối đầu với các tính toán được/mất
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng nước. Các cấp lãnh đạo phải chuẩn bị sẵn sàng để cân nhắc bài toán được/mất, đồng thời phải bảo vệ môi trường và các đối tượng bị thiệt thòi trong đó có người nghèo.
Hai là, sắp xếp thể chế nhằm điều tiết, theo dõi và thực thi các quyết định phân bổ
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 21/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013. Đây là một bước tiến lớn về thể chế trong quản lý tài nguyên nước. Luật về quản lý rủi ro thảm họa và thủy lợi cũng đang trong quá trình xây dựng. Sắp tới, Chính phủ cần hỗ trợ thực hiện luật và các văn bản dưới luật.
Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Ba là, tập trung cải thiện cung ứng dịch vụ thông qua các biện pháp kỹ thuật, tối ưu hóa và tham gia cộng đồng
Để phân bổ tối ưu nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng cần điều chỉnh công tác quản lý nguồn nước hiện tại, tập trung vào cung ứng dịch vụ, thay vì chỉ quan tâm đến hạ tầng. Muốn tập trung vào cung ứng dịch vụ, đòi hỏi phải có sự tham gia của bên sử dụng vào công tác quản lý.
Bốn là, cần vốn đầu tư công và tư cho các dự án và đảm bảo dịch vụ được cung cấp bền vững
Vai trò công trong điều tiết và giám sát tài nguyên nước là rất quan trọng tại Việt Nam, nhưng nếu muốn huy động vốn cho các dự án cấp thiết hiện nay thì cần xem xét nguồn tư nhân, đồng thời đảm bảo dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.
Theo đại diện của Ngân hàng thế giới, hiện nay World Bank đang hỗ trợ Việt Nam về 03 lĩnh vực trong ngành nước đó là Cơ sở hạ tầng, Hệ thống thông tin và Thể chế.
Cụ thể, về Cơ sở hạ tầng ngành nước mà Ngân hàng thế giới đang hỗ trợ Việt Nam đó là: Đầu tư vào hạ tầng cấp nước và vệ sinh; Đầu tư vào thủy lợi và gia cố đập; Đầu tư vào thủy điện; Nghiên cứu khả năng chịu đựng thiên tai;
Về Hệ thống thông tin bao gồm: Đầu tư vào hệ thống thu thập dữ liệu phục vụ công tác quản lý nước cơ bản; Đầu tư vào hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; Nâng cao năng lực dự báo.
Về thể chế trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: Hỗ trợ các cơ quan và kế hoạch quản lý lưu vực sông; Quy định mới thích ứng với biến đổi khí hậu cho Quản lý nguồn nước (với hỗ trợ của DFID); Hỗ trợ các qui định về an toàn đập, quản lý nguồn nước, và thủy lợi ; Đối thoại chính sách về nâng cao năng lực thể chế với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .
Đồng thời, Ngân hàng thế giới cũng đang hỗ trợ các hoạt động cấp vùng và toàn cầu như đối thoại cấp vùng về lưu vực sông Mekong, trao đổi kiến thức toàn cầu.
Một số giải pháp cần được triển khai thực hiện
Thứ nhất: Tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý nhu cầu sử dụng nước. Có 3 nhóm giải pháp chính đó là:
Nhóm giải pháp về xã hội bao gồm các chương trình hướng đến cộng đồng như nâng cao nhận thức, thông tin, tuyên truyền, giáo dục công đồng có trách nhiệm sử dụng nước tiết kiệm nước và hiệu quả…
Nhóm giải pháp kỹ thuật và công nghệ: Bao gồm việc lắp đặt các thiết bị sử dụng nước hiệu quả, nghiên cứu áp dụng các công nghệ tái chế và sử dụng nước trong các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, kiểm toán sử dụng nước, sản xuất sạch hơn…
Nhóm giải pháp kinh tế bao gồm xác định lại giá nước, có cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ sử dụng nước tiết kiếm, giảm thất thoát, đảm bảo cấp nước an toàn…
Thứ hai: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó tập trung và hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm đó là (1) Lập quy hoạch tài nguyên nước; tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ nguồn nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước; xây dựng hệ thống hồ trữ nước mưa, nước mặt và các công trình ngăn mặn, xả lũ có tính đến biến đổi khí hậu; lập kế hoạch khai thác, sử dụng hồ trữ nước đa mục đích, ưu tiên cho khai thác cung cấp nước sinh hoạt…;
Có kế hoạch khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, các đô thị vùng ĐBSCL…;
Nghiên cứu các giải pháp bổ cập nước ngầm hướng tới tạo nguồn nước dự phòng chiến lược trong trường hợp xảy ra các sự cố về nguồn nước mặt, hệ thống cấp nước và biến đổi khí hậu; thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước, nghiên cứu giải pháp dự phòng nguồn nước bảo đảm an toàn nguồn nước cho nhà máy nước;
Tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường và bảo đảm cấp nước an toàn;
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc xử lý nước mặn, nước lợ cho các vùng bị xâm nhập mặn và khó khăn về nguồn nước; nghiên cứu công nghệ tái sử dụng nước mưa hỗ trợ nước sinh hoạt và các nhu cầu khác.
Thứ ba: Tổ chức tổng kết đánh giá sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 (Quyết định số 2147 QĐ-TTg ngày 24/11/2010) đồng thời với việc triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia về bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2015 (Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016) nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu: Bảo đảm cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng; bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước đạt quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Thứ tư: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Cấp, thoát nước: Trong Điều chỉnh Định hướng cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Luật Cấp nước tuy nhiên trong NQ của Chính phủ vừa qua cũng đã giao xây dựng kết hợp với Thoát nước thành một luật. Việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật này cùng với các luật khác đang có hiệu lực thi hành như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường … sẽ góp phần quản lý sử dụng nước có hiệu quả hướng tới phát triển bền vững.
Thứ năm: Đẩy mạnh hoạt động hợp tác về quản lý nguồn nước xuyên biên giới; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu về nguồn nước đối với các quốc gia có chung nguồn nước, nghiên cứu đề xuất cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung của các quốc gia trên các lưu vực sông và bảo đảm tinh thần chủ đạo của pháp luật quốc tế là việc sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác.