Yên Bái: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Vân Khánh|09/09/2022 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tỉnh ủy Yên Bái vừa ban hành Chương trình hành động số 121-CTr/TU triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Yên Bái.

Yên Bái là tỉnh có tài nguyên nước ở mức dồi dào, lượng nước mặt nội sinh trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người đạt khoảng 10.180 m/người/năm, cao gấp 2,5 lần so với trung bình cả nước (khoảng 4.000 m/người/năm). Tuy nhiên dưới tác động của biến[đổi khí hậu (BĐKH), lượng mưa mùa khô và dòng chảy mùa kiệt trên lưu vực có xu hướng giảm kết hợp với hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino có thể gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trong tương lai. Các công trình cấp nước tưới và cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và không có khả năng điều tiết sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán đến hoạt động cấp nước của công trình. Hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng và biến đổi khí hậu là thách thức trong việc đảm bảo cân đối nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Xung đột về khai thác, sử dụng nước giữa các ngành kinh tế trong nội tại lưu vực, như xung đột giữa thủy điện với thủy lợi, giao thông thủy, thủy sản có xu hướng gia tăng... cần phải được quan tâm.

Các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh trong những năm vừa qua mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Tuy nhiên do nguồn lực đầu tư hạn chế, một số công trình thủy lợi tiếp tục xuống cấp, trong khi đó mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật có thể làm gia tăng các rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Do đó, các công trình đập, hồ chứa nước cần phải tiếp tục được đầu tư, nâng cấp để bảo đảm thực hiện tốt chức công năng của công trình.

an-ninh-nguon-nuoc.jpg
Ảnh minh họa

Chương trình hành động chỉ rõ mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu có trên 91% hộ gia đình ở thành thị và 25% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiêu số; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hu hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.

Bảo đảm 80% hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát để duy trì dòng chảy tối thiểu của các lưu vực sông; 50% lưu vực sông Thao, sông Chảy có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến. Bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 10% tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Đến năm 2030: Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và trên 50% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm có trên 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi.

Với mục tiêu như vậy, Chương trình xác định 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Nâng cao tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045