Phát biểu tại hội thảo “Tiến tới đồ án quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh”, góp ý làm thế nào để đảm bảo an ninh nguồn nước đang cung cấp cho khoảng 10 triệu dân thành phố, ông Nguyễn Trung Việt, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh, thuộc Sở TN&MT thành phố nói: “Về an ninh cấp nước, chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều, Thành phố đang sử dụng chủ yếu là nguồn nước sông Đồng Nai, nếu có chuyện gì xảy ra thì rất nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ cho người dân mà cho cả kinh tế - xã hội của thành phố”.
Ông Việt cho rằng những năm trước, việc nhiễm mặn tại địa điểm lấy nước của thành phố có khi chỉ vài giờ nhưng đến nay, nhiều thời điểm nhiễm mặn có khi vài ngày, trong khi toàn bộ hệ thống cấp nước hiện nay ở TP Hồ Chí Minh không có công trình nào để xử lý nước mặn.
Tương tự, kỹ sư Nguyễn Đình Thi, Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh, góp ý: “Hiện tượng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đối với Nhà máy nước Bình An (một số thời điểm độ mặn tại cầu Đồng Nai vượt quy chuẩn cho phép)”. Ông Thi cũng cho rằng nguồn nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng (hữu cơ, ammonia, vi sinh, mangan), đặc biệt là khu vực hạ nguồn do tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm từ nhánh sông Thị Tính đổ vào sông Sài Gòn (bao gồm cả vị trí trạm bơm Hòa Phú).
Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng được UBND TP Hồ Chí Minh nhắc tới trong quyết định phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050, Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030. Trong đó UBND thành phố cho biết nguồn nước thô hiện nay được khai thác trực tiếp tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Vị trí lấy nước hiện nay thuộc hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Chất lượng nguồn nước thô hiện nay có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn.
Đồng thời, giải pháp khai thác nước thô hiện nay gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Nêu quan điểm của mình, ông Việt cho rằng nếu xây dựng các hồ chứa này thì thành phố hoàn toàn có diện tích có thể chứa vài chục triệu m3 nước để đảm bảo an ninh cấp nước, thậm chí có thể cấp nước cho thành phố đến cả 10 ngày với khu hồ này.
Còn theo ông Thi, quy hoạch mạng lưới cấp nước thành phố được cấu tạo không có những bể chứa nước để điều phối trên hệ thống cấp nước nên còn tồn tại một số khó khăn về áp lực nước và chất lượng nước. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh nên xem xét triển khai các giải pháp tăng cường dự trữ và tiền xử lý nước thô, giải pháp xâm nhập mặn.
“Nên xem xét bài toán lắp đặt các bể chứa ngầm trong nội vi từng vùng cấp nước với mục tiêu giảm tải áp lực cho các trạm bơm và hệ thống mạng lưới đường ống chuyển tải cũng như nâng cao mức độ an toàn cấp nước cho mạng lưới phân phối nước sạch” - ông Thi nêu thêm giải pháp.
Ngoài ra, về lâu dài, ông Thi góp ý nên đầu tư đổi mới công nghệ cho các nhà máy nước nhằm đáp ứng yêu cầu thích ứng với sự thay đổi của chất lượng nước nguồn (ngày càng xấu đi) và đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nước. Đồng thời là phát triển mở rộng hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động với sự tham gia giám sát của cộng đồng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cấp.