Tích trữ nhiều thực phẩm đến kín tủ lạnh
Khi tủ lạnh nhà bạn đã có quá nhiều thứ mà bạn không thể nhồi nhét thêm được gì vào nữa thì hãy nghĩ ngay đến chuyện dọn dẹp tủ lạnh. Trước khi đi chợ hay vào siêu thị mua sắm thì nên dành thời gian mở tủ lạnh ra và dọn hết những thứ không còn sử dụng được nữa. Có thể là chai tương ớt sắp hết hạn hay bát canh thừa để tận mấy ngày trong tủ… là những thứ bạn cần lấy ra khỏi tủ lạnh ngay. Các cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm khuyên bạn nên hình thành thói quen kiểm tra đồ ăn trong tủ lạnh hoặc tủ đá trước khi đi chợ để tránh lãng phí thực phẩm cũng như tiền của.
Không đậy kín thức ăn thừa trước khi cho vào tủ
Sau mỗi bữa ăn bạn thường cho cả đĩa thức ăn thừa vào tủ lạnh. Đó là một nhầm tưởng phổ biến ở nhiều người. Các chén nước mắm hay đồ kho được đẩy vào trong tủ lạnh mà không che đậy dễ làm cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra mùi khó chịu cho tủ lạnh nhà bạn. Ngăn mát của tủ lạnh chỉ làm vi khuẩn ngưng hoạt động chứ không hẳn tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn, chính vì vậy việc không đậy nắp thức ăn thừa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi.
Giải pháp là bạn nên trữ thức ăn thừa vào vật chứa sạch, có nắp đậy kín cẩn thận. Tủ lạnh ngày nay không cần chờ cho thức ăn nguội mới cho vào mà nó có khả năng xử lý nhiệt hiệu quả. Tuy nhiên, việc cho thức ăn nóng vào tủ lạnh sẽ làm cho tủ lạnh bạn hao tốn điện năng khá lớn.
Để lẫn lộn thực phẩm tươi sống vào thực phẩm đã chế biến
Các loại thực phẩm như rau củ quả chưa được rửa sạch, thịt cá tươi sống chứa rất nhiều vi khuẩn và hiểm họa ngộ độc. Khi mua thực phẩm từ chợ về, các loại rau củ quả còn dính nhiều phân thuốc, nhiều loại chất bẩn từ trong chợ, thịt cá tươi sống chưa chế biến cũng chứa nhiều loại vi khuẩn có hại. Nếu bạn tống các loại thực phẩm này vào chung với các loại thức ăn còn thừa đã qua chế biến thì hết sức nguy hiểm.
Giải pháp là bạn nên trữ riêng tách biệt giữa thực phẩm sống và chín. Thực phẩm mới mua về bạn nên rửa sạch rồi đóng gói cẩn thận, cho vào hộp đậy kín.
Để chung các loại rau, quả
Nên tách biệt các loại rau củ và hoa quả khi để chung trong tủ lạnh. Các loại rau quả thường được phân thành hai nhóm: nhóm sản xuất khí ethylene (táo, đu đủ, dưa, chuối, bơ và cà chua) và nhóm nhạy cảm với ethylene (rau diếp, bông cải xanh, xoài, chanh, cam và cà rốt). Nếu bảo quản chung 2 nhóm này trong cùng một ngăn, khí ethylene sẽ làm cho những sản phẩm “nhạy cảm” chín nhanh hơn hoặc dễ phân hủy hơn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc bị dập hoặc đã cắt/bổ cũng khiến các loại rau quả này xuất nhiều khí ethylene hơn.
Không vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, tốt nhất cứ 2-3 ngày một lần, nếu lỡ để đồ ăn, nước từ thực phẩm rớt ra tủ lạnh thì cần lau sạch ngay. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra đồ trong tủ lạnh, sử dụng những đồ dễ hỏng trước, loại bỏ các thực phẩm không thể dùng được nữa.
Để thực phẩm quá lâu không dùng
Thức ăn còn thừa là chuyện rất phổ biến trong mọi gia đình. Với những phần thừa này, cách tốt nhất là phải ăn ngay vào bữa sau. Nếu không thể ăn kịp thì hãy gói lại cẩn thận, đặt vào ngăn đông và ăn sớm nhất có thể.
Để thực phẩm quá lâu, ngay cả trong tủ lạnh, sẽ khiến chúng mất đi hương vị, thậm chí làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Đặt sai nhiệt độ tủ lạnh
Thông thường, việc mở tủ lạnh ra quá nhiều cũng làm cho nhiệt độ trong tủ lạnh của bạn bị sai. Do đó, thỉnh thoảng nhớ để ý đến màn hình hiển thị nhiệt độ tủ lạnh để chắc chắn giữ được nhiệt độ phù hợp cho việc bảo quản thực phẩm. Nhiệt độ thích hợp trong tủ lạnh sẽ là 3 đến 5 độ C, còn tủ đông cần hiển thị nhiệt từ -18 đến -20 độ C.
Hồng Anh (t/h)