Ninh Bình đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản vào năm 2030

Thanh Thanh|15/07/2024 11:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về triển khai “Thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2024 - 2030”.

Theo đó, đề án được ban hành nhằm kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản.

su-dung-hoa-chat-nuoi-trong-thuy-san.jpg
Ninh Bình đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản vào năm 2030

Nội dung đề án nêu rõ:

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản trên địa bàn được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.

Nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá; xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản. Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong lĩnh vực thủy sản.

Cùng với đó, hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản được triển khai hiệu quả; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản để tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia.

Hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (khu đất ngập nước ven biển gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng ven biển huyện Kim Sơn, vùng tập trung nơi bãi đẻ, bãi giống thủy sản lưu vực sông Hoàng Long, sông Vạc,...) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; thực hiện cụ thể hóa kế hoạch hành động của Trung ương về bảo tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 80% doanh nghiệp thủy sản; từ 30 - 50% ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được tập huấn/phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản. Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thúc đẩy tăng diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững. Mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản sẽ được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ và 5 giải pháp cụ thể của đề án.

6 nhiệm vụ bao gồm:

Thứ nhất, tiến hành rà soát, triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản. 

Thứ hai, chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản.

Thứ ba, kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển bền vững ngành thủy sản. 

Thứ tư, nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản.

Thứ sáu, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học

5 giải pháp được đưa ra bao gồm: Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan. Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản. Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản. Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ môi trường thủy sản. Cuối cùng, tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản.

Bài liên quan
  • Gia Lai: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các mô hình chăn nuôi
    Với quỹ đất nông nghiệp rộng, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, phát triển các mô hình trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi chủ đầu tư thiếu phương án bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ninh Bình đặt mục tiêu chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản vào năm 2030