Gia Lai: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các mô hình chăn nuôi

Hoàng Thơ|10/07/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với quỹ đất nông nghiệp rộng, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi đại gia súc, phát triển các mô hình trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi chủ đầu tư thiếu phương án bảo vệ môi trường.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 208 dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng diện tích hơn 9.310 ha, tổng vốn đầu tư 35.777,39 tỷ đồng. Trong đó, 92 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, 116 dự án đang xin chủ trương chấp thuận chủ trương đầu tư.

Huyện Chư Sê có 18 trang trại chăn nuôi heo đang hoạt động với tổng số trên 66.300 con. Hầu hết chủ các trang trại đều là hộ cá thể, năng lực về vốn còn hạn chế nên vẫn còn để phát sinh ô nhiễm. Hay tại huyện Ia Pa có 5 dự án chăn nuôi heo đi vào hoạt động...Hiện toàn tỉnh có 36 dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động với số lượng hơn 69.600 con bò và trên 305.200 con heo, mật độ chăn nuôi là 0,327 đơn vị nuôi/ha.

o-nhiem-moi-truong-gia-lai(1).jpg
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 208 dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng diện tích hơn 9.310 ha

Các mô hình chăn nuôi số lượng lớn đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân khi liên tục phải gánh chịu mùi hôi từ các hộ chăn nuôi. Thời điểm nặng nhất là vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Nguyên nhân là do các trang trại này xây dựng tương đối gần khu dân cư (cách khu dân cư 0,7-1 km), mỗi lần có gió, mùi hôi theo về gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, ngoài việc phải sống chung với chất lượng không khí thấp thì việc xả thải chăn nuôi không theo đúng quy định đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng lúa canh tác của người dân xung quanh, Việc vận chuyển cám và heo của các trang trại còn gây hư hỏng đường vào khu sản xuất của người dân.

Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra các chủ trang trại chăn nuôi và hướng dẫn khắc phục sự cố. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là khi có sự cố môi trường xảy ra thì công tác phối hợp lấy mẫu nước để phân tích, đánh giá, xác định lưu lượng nước chảy ra môi trường gặp khó.
Do đó, chủ các dự án cần phải bố trí người có chức trách làm việc tại trang trại để tiện cho liên hệ công tác, kiểm tra theo quy định.

Tính riêng trong năm 2023, cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 9 đơn vị với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh, Sở TN-MT xử phạt 3 đơn vị với tổng số tiền 370 triệu đồng; UBND cấp huyện xử phạt 8 hộ với tổng số tiền hơn 89 triệu đồng.

Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở TN-MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số chủ dự án chưa nghiêm, còn chạy theo lợi ích kinh tế nên trong quá trình hoạt động chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT đã được phê duyệt. Nhiều trang trại chưa xây dựng các công trình BVMT, chưa được cấp giấy phép môi trường.

Để khắc phục, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình đầu tư, nhất là trong lĩnh vực BVMT, Sở TN-MT chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các dự án chăn nuôi trên địa bàn về lĩnh vực đất đai, môi trường; hướng dẫn các trang trại thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gia Lai: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các mô hình chăn nuôi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.