Ninh Thuận: Đầu tư khai thác đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trọng Nhân|15/12/2020 06:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngư dân các địa phương ven biển ở tỉnh Ninh Thuận luôn tích cực đầu tư, đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi khai thác hải sản, tăng thu nhập và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Khai thác hải sản được xác định là một trong sáu nhóm ngành kinh tế đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Xã biển Thanh Hải, huyện Ninh Hải có nghề cá truyền thống với khoảng 65% cư dân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản. Những năm trước đây, tuy có tiềm năng phát triển kinh tế biển nhưng do nguồn lực hạn chế, số tàu thuyền công suất nhỏ còn chiếm tỷ lệ khá cao, các tiến bộ kỹ thuật chậm được áp dụng vào trong khai khác nên hiệu quả khai thác hải sản đạt thấp.

Đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, đặc biệt từ khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP ra đời cùng các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh, ngư dân ở xã đã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn đăng ký đóng mới, nâng cấp các tàu cá với trang thiết bị máy móc hàng hải hiện đại. Nhờ đó, năng lực khai thác tàu cá của xã không ngừng tăng lên, đến nay, trong tổng số gần 400 phương tiện khai thác hải sản có 98 tàu cá dài 15 mét trở lên, riêng đội “tàu 67” dài 24 mét có 11 chiếc gồm 10 tàu cá khai thác xa bờ và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo kế hoạch, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đột phá về các ngành kinh tế biển theo sáu nhóm ngành, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản để khai thác tiềm năng tài nguyên biển của địa phương.

Theo đánh giá của ngành thủy sản Ninh Thuận, đội tàu khai thác xa bờ đã tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân đủ sức vươn khơi khai thác, bám biển, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Là quốc gia nằm ở ven Biển Đông, Việt Nam có bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Vùng biển nước ta có nhiều tài nguyên, là nơi tập trung nhiều ngành kinh tế trọng điểm của đất nước; vùng ven biển có mật độ dân cư lớn. Việc kết hợp phát triển đánh bắt xa bờ gắn liền với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trên hướng biển, đảo cũng là chủ trương của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trên thực tế, kinh tế biển có bước phát triển khá mạnh ở các tỉnh, thành phố ven biển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: du lịch biển, đảo; khai thác và chế biến hải sản; phát triển các khu kinh tế ven biển; hệ thống giao thông của các địa phương ven biển có sự đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ hơn. Theo đó, đời sống, mức sống của nhân dân ở ven biển và trên các đảo được cải thiện, nâng lên rõ rệt cả về vật chất, tinh thần. Đi đôi với phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh tuyến biển, đảo cũng được củng cố, tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, kiềm chế xung đột, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay, tỉnh đẩy mạnh phát triển dịch vụ đóng, sửa chữa tàu thuyền nâng cấp đội tàu khai thác xa bờ có chiều dài trên 15 mét; tiếp tục xây dựng, mở rộng các cảng cá, bến cá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm hải sản sau khai thác.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại, tỉnh Ninh Thuận tăng cường dự báo thông tin ngư trường khai thác vùng biển xa bờ, khu vực Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1 để ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch, di chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý để đạt hiệu quả cao.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ninh Thuận: Đầu tư khai thác đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo