Ninh Thuận: Làm giàu bằng trồng táo sạch trong “nhà lưới”

Tú Anh (T/h)|06/09/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều nông dân tại Ninh Thuận đã bỏ vốn làm “nhà lưới” bao phủ cả vườn táo nhằm nâng cao chất lượng trái táo và tăng thu nhập cho nông dân.

Cùng với nho, táo xanh là loại trái cây đặc thù của vùng đất Ninh Thuận. Táo cho quả quanh năm hoặc có thể cắt cành cho ra trái tập trung mỗi năm 2 vụ. Thông thường sản lượng trái thu hoạch phải bỏ đi hơn một nửa do bị sâu bệnh, nhất là khi bị ruồi vàng đục quả.

Cụ thể, gia đình anh Phạm Minh Đèo ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn trồng 1,5 sào (1.500m2), anh là một trong những người tiên phong khi bỏ ra 12 triệu đồng để làm “nhà lưới” cho vườn táo. Giữa vườn táo xanh, trĩu quả, anh nói: “Nhiều năm trước chưa làm “nhà lưới”, ở thời điểm này, nông dân rất vất vả vì không biết làm cách nào để ngăn được con ruồi vàng đeo bám vườn táo và đục thủng, gây hư hại quả táo khi chín, khiến năng suất sụt giảm rất nhiều. Giờ có “nhà lưới”, bà con không tốn chi phí mua thuốc phun hết vườn táo để trừ khử con ruồi vàng, đồng thời năng suất tăng cao, chất lượng quả bảo đảm sạch”.

Ông Đặng Tấn Thắng, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết những năm trước đây khi chưa bao lưới, một sào (1.000m2) cho sản lượng 4 tấn nhưng chỉ hái được 1,5 tấn hoặc 2 tấn mà thôi do tỷ lệ bỏ đi nhiều. Năm nay, thực hiện bao lưới, gần như 99% sản lượng thu hoạch đều bán được. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc bao lưới là vừa tăng năng suất vừa bán được giá cao.

“Mô hình bao lưới trung bình 1 sào đạt 4 tấn. Giá thành 12.000 đồng/kg. Khi không bao lưới, giá thành khoảng 7.000 đồng/kg. Giá thấp hơn mà sản lượng lại mất. Khi bao lưới sản lượng đạt cao, già thành lại tốt hơn”, ông Thắng cho hay.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết: Kỹ thuật bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo giúp giảm số lần phun thuốc xuống 6 lần, giảm đáng kể chi phí đầu tư của nhà vườn. Nhất là trái táo sau khi thu hoạch ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được đón nhận rộng rãi trên thị trường.

“Mô hình táo bao lưới sẽ giúp cho việc tiêu thụ dễ dàng hơn và giúp cho người tiêu dùng yên tâm để sử dụng táo xanh của Ninh Thuận. Bởi vì khi thực hiện mô hình này hoàn toàn đáp ứng được theo tiêu chuẩn VietGAP. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả không còn nữa do bà con không còn dùng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây”, ông Dũng cho hay.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống Ngân hàng xây dựng gói vay vốn ưu đãi cho nông dân có nhu cầu vay vốn đầu tư nhân rộng mô hình, nhằm đẩy mạnh quảng bá hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rộng rãi,… góp phần đưa thương hiệu táo sạch Ninh Thuận đến với người tiêu dùng, giúp nông dân trồng táo tăng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Từ đó, định hướng nông dân tích cực đẩy lùi tình trạng sản xuất nông nghiệp chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Làm giàu bằng trồng táo sạch trong “nhà lưới”