Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận giao các Sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương rà soát, thống kê các điểm tập kết rác thải, các khu vực rác thải chưa được thu gom hoặc thu gom chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường, nhất là các địa phương ven biển, vùng nông thôn; có kế hoạch và lộ trình thu gom triệt để, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường. Các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, thải bỏ rác thải không đúng nơi quy định.
Các địa phương phát triển nghề chăn nuôi tập trung xử lý những tồn tại về ô nhiễm môi trường; di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc ra khỏi địa bàn dân cư đến vị trí quy hoạch vùng nuôi; đồng thời, tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là ô nhiễm môi trường biển, người dân các địa phương ven biển vẫn còn tình trạng vứt bỏ rác thải ra biển và bãi biển. Để đảm bảo mỹ quan, môi trường vùng biển, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với chính quyền các địa phương vùng biển tổ chức sắp xếp, bố trí lại việc buôn bán, kinh doanh tại các khu du lịch; đồng thời phân vùng và giao nhiệm vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên đất liền và dưới mặt biển cho các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch.
Ninh Thuận đã thành lập tổ cộng đồng, đội xung kích tình nguyện, thường xuyên tổ chức thu gom rác thải tại các bãi biển, các khu du lịch; đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân vùng biển về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, để phát triển kinh tế từ biển theo hướng lâu dài và bền vững.
Hà Hương (T/h)