Học sinh cùng phân loại rác sau giờ học – Ảnh: Tuổi trẻ
Hàng ngày, cứ đến 11h20, sau giờ học buổi sáng, nhóm học sinh lớp 11 vào “ca trực” phân loại rác. Người thì cầm kẹp gắp từng loại rác, người thì cầm sổ ghi lại trọng lượng, người thì sắp xếp rác phân loại cho vào từng thùng.
Cô Mai Ánh Tuyết, chủ nhiệm CLB Zero Waste (CLB Không rác), cũng là giáo viên của trường, luôn túc trực cùng học sinh, nói rằng giáo viên cũng phải có mặt để động viên các em, khi phân loại rác cũng cần người am hiểu về từng loại rác. “Lúc đầu các em còn ngần ngại nhưng giờ đã quen tay, quen việc, làm nhanh tay lẹ chân hơn mình nữa” – cô Tuyết kể.
“Đã có lúc tưởng chừng việc sẽ phải ngưng lại khi các xe thu gom rác lại dồn chung hết cho lên xe. Học sinh nản, không ai trân trọng việc làm của mình. Chúng tôi động viên nếu các em không cố gắng thì mai kia môi trường toàn rác. Chính mình phải thay đổi trước mới đòi hỏi người khác thay đổi” – cô Tuyết tâm sự thêm.
Rồi cái khó ló cái khôn, học sinh phân loại rác hữu cơ để xe rác mang đi, các loại như chai, lọ, giấy… thì mang bán ve chai, ly mì ăn liền không thể bán được thì dùng trồng rau, hoa để bán khi đến hội chợ xuân, cắm trại… góp vào gây quỹ trang trải cho các hoạt động của CLB.
Hằng tuần, theo lịch tự phân công, các em chia nhau rửa hộp sữa, bịch sữa tươi. Cô Tuyết nói những hộp sữa sau khi vệ sinh xong, học sinh sẽ đem ra xe gửi lên công ty tái chế hộp sữa giấy.
“Những tưởng đó là loại “rác chết” nhưng nó lại rất hữu ích khi ngày nay công nghệ tiến bộ có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái, sổ tay hay hộp quà” – cô Tuyết chia sẻ.
Chia sẻ về công việc này, cô Cao Thị Ngọc Hà, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho hay trường không cấm mà luôn vận động mọi người hưởng ứng “3 không” này với nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoặc tổ chức nhiều chương trình liên quan chủ đề bảo vệ môi trường.
“Thói quen không thể thay đổi ngày một ngày hai, lứa tuổi này cũng không thể cấm đoán nên nhà trường chỉ khích lệ các em hạn chế khi sử dụng các sản phẩm trên và nên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường” – cô Hà nói.
Cùng hưởng ứng hoạt động này, những giờ lên lớp, các thầy cô trong trường luôn có bên mình bình giữ nhiệt đựng nước uống, không dùng ống hút nhựa, thậm chí cơm mua bên ngoài cũng mang hộp từ nhà theo mua để làm gương cho học sinh.
Không riêng gì vận động học sinh, mà các thầy cô lớn tuổi cũng khó thay đổi ngày một ngày hai bởi thói quen hình thành đã mấy chục năm.
Lúc đầu cũng thấy nhiều bất tiện nhưng “bản thân mình không thay đổi thì vận động được ai, dần dà nhiều thầy cô cũng thay đổi như mình, có cô còn hỏi không đựng cà mên mà đựng cơm bằng hộp bã mía được không thì mình biết mọi người đã đồng lòng rồi” – cô Tuyết chia sẻ.
Minh An (T/h)