Theo CNN, công trình của các nhà khoa học được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Do các hoạt động của con người trên trái đất, thực tế không có nơi nào còn môi trường “nguyên sơ”. Tuy nhiên, theo các tác giả của nghiên cứu, Nam Đại Dương gần như không chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và bụi từ các lục địa.
Nam Đại Dương ở Nam Cực là nơi có không khí sạch nhất hành tinh. Ảnh: Getty
Một tàu nghiên cứu với các chuyên gia đã đi từ Tasmania đến sông băng ở Nam Cực. Các nhà khoa học lấy mẫu không khí trên đường đi, quan tâm đến vi khuẩn mà qua đó họ có thể xác định tính chất của khí quyển ở độ cao.
Trình tự ADN cho thấy rất ít vi khuẩn được giải phóng trực tiếp từ đại dương vào môi trường – điều này đã khẳng định giả thuyết ban đầu.
“Rõ ràng Nam Cực phân lập khỏi sự lây lan vi khuẩn từ các lục địa phía nam. Điều này cho thấy Nam Đại Dương là một trong số ít khu vực gần như không bị ảnh hưởng của các hoạt động nhân tạo” – Thomas Hill, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.
Ô nhiễm không khí đã là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu và giết chết 7 triệu người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi.
Hơn 80% người dân sống ở khu vực thành thị (những nơi có theo dõi ô nhiễm không khí) bị phơi nhiễm với chất lượng không khí vượt quá giới hạn hướng dẫn của WHO, và các nước thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.
Tuy nhiên, như các nghiên cứu đã cho thấy, ô nhiễm không khí có thể vượt qua ranh giới địa lý và ảnh hưởng đến những người ở cách xa hàng trăm km từ nơi mà nó bắt nguồn.
Hồng Anh