XEM VIDEO: NÚI THÀNH (QUẢNG NAM): NGƯỜI DÂN BỨC XÚC KHI BỊ “TRA TẤN” BỞI KHÓI BỤI VÀ TIẾNG ỒN TỪ 5 MỎ ĐÁ
1 xã gánh đến 5 mỏ đá
Tiếng ồn nổ mìn, bụi bặm, đường sá hư hỏng… từ hoạt động khai thác đá ở thôn Hòa Đông và Hoà Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam “tra tấn” người dân suốt nhiều năm nay. Mặc dù đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương, thậm chí bỏ công việc để chặn xe….nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết.
Con đường dân sinh vào 5 mỏ đá ở thôn Hoà Đông, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành đầy rẫy ổ voi, ổ gà tù đọng nước, cây cối bị phủ bụi bay trắng xoá. Theo người dân địa phương, từ ngày các mỏ đá đi vào hoạt động, con đường dân sinh đã bị các xe tải chở đá cày nát. Gần tới công trường khai thác đá, tiếng nổ mìn, máy xay đá ầm ầm dưới cái nắng ngột ngạt khiến bầu không khí thêm bức bối.
Con đường dân sinh ở xã Tam Nghĩa đá đầy ổ voi, ổ gà do phải “gánh” 5 mỏ đá
Ông Ngô Đình Diệm, trú ở tổ 6, thôn Hoà Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành bức xúc: Mỗi ngày, các mỏ khai thác đá nổ mìn gây chấn động cả khu vực, rung lắc nhà cửa, chưa kể xe chở đá ra vào thường xuyên gây bụi bặm và hư hỏng đường sá. Ngoài ra hoạt động chế biến đá gây ra lượng bụi lớn, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn đến đời sống người dân. Bà con đã gửi đơn đến chính quyền xã từ tháng 1/2022 đến nay nhưng xã chỉ hứa mà không giải quyết dứt điểm.
“Trên địa bàn tổ 6 mà có đến 5 mỏ đá và một trạm trộn nhựa, chúng tôi ngộp thở nhưng vẫn cố cầm cự. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chặn xe 6-7 lần rồi, lúc đầu có chính quyền vào giải quyết, sau gọi cũng không ai xuống. Đợt gần đây nhất, chính quyền xã cam kết với người dân là đến 20/4 sẽ giải quyết dứt điểm với người dân về vấn đề ô nhiễm nhưng đến nay vẫn không có động tĩnh gì”- ông Diệm cho hay.
Cùng chung nỗi bức xúc như ông Diệm, bà Nguyễn Thị Chí, tổ 5, thôn Hoà Đông, xã Tam Nghĩa cho biết: Việc nổ mìn, xay đá liên tục trong ngày gây ồn ào, bụi khắp nơi. Chưa kể, các xe chở đất đá đi vào hướng Quảng Ngãi và đá từ trong Dung Quất (Quảng Ngãi) thường né trạm cân nên đi tắt xuống đường của dân và chạy với tốc độ lớn, thường xuyên gây bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học hành của con em. Trong số 5 mỏ đá ở khu vực này có 2 mỏ đã hết giấy phép nổ mìn, chính quyền không cho doanh nghiệp mua đá về sản xuất nhưng họ vẫn “ngang nhiên” chở đá về chế biến liên tục, gây ô nhiễm môi trường.
“4h sáng các xe đã lén công an chạy lên rồi, trưa nắng cũng chạy, ngoài giờ quy định. Trạm trộn nhựa thì hoạt động từ 2-3 giờ sáng. Chúng tôi phải đóng cửa liên tục, chỉ khi nào cần đi ra ngoài mới mở cửa. Đêm ngủ cũng phải mang khẩu trang. Tôi cũng phải lo đi kiếm tiền nuôi con chứ đâu suốt ngày chặn xe như thế này được nhưng vì quá bức xúc ảnh hưởng đến việc học hành của con cái tôi nên mới 5-7 lần chặn xe thế này” – bà Chí cho hay.
Các mỏ đá nổ mìn, xay đá liên tục trong ngày gây ồn ào, bụi khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân
Đối thoại để tìm hướng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Tam Nghĩa hiện có 5 mỏ đá đang hoạt động là Rạng Đông, Vinaconex 25, Hưng Long, Hòa Đông, Kỳ Hà Chu Lai, ngoài ra còn có trạm trộn nhựa Hoà Đông. Bức xúc vì tình trạng ô nhiễm từ các mỏ đá gây ra, từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần người dân tại thôn Hoà Đông, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành chặn xe ra vào các mỏ đá trên địa bàn. Cụ thể, các ngày 28/2 đến ngày 3/3, tiếp đến là chiều ngày 12/4, sáng ngày 13/4, gần đây nhất là ngày 23/4.
Đoàn xe tải chỏ đá bị ùn ứ vì người dân chặn đường
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho biết, việc người dân bức xúc về việc khai thác mỏ đá làm ảnh hưởng môi trường đã được chuyển lên huyện Núi Thành. Vừa qua, đơn vị quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đo, lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm về mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá. Hiện xã đang chờ kết quả cuối cùng và sẽ tổ chức đối thoại giữa các công ty khai thác đá với người dân để có hướng giải quyết về vấn đề ô nhiễm môi trường.
“Trước đây tỉnh quy hoạch các mỏ đá tập trung ở xã Tam Nghĩa. Hoạt động khai thác đá cũng gây nhiều hậu quả như đường sá xuống cấp, người dân tụ tập cản trở xe tải cũng gây mất an ninh trật tự, Tuy nhiên, địa phương lại không được hưởng lợi gì. Trước đây, địa phương được hưởng 20% phí bảo vệ môi trường nhưng gần đây thì không phân bổ trực tiếp về địa phương có khoáng sản, gây khó khăn cho cho công tác quản lý nhà nước cũng như gánh nặng lớn về môi trường” – ông Đạt cho biết.
Thanh Hải