Nước là tài sản “càng ngày càng có giá trị” cần sử dụng có trách nhiệm, tiết kiệm

Nguyên Lâm|06/06/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, nước là tài sản có giá trị, càng ngày càng có giá trị, đặt ra trách nhiệm của Nhà nước cần điều tiết nước như điều tiết điện; nước là hàng hóa cần phải trả tiền, đây là ngành kinh tế có thể thu lãi lớn, sửa đổi luật không chỉ nêu vấn đề quản lý, cần có tư duy và tầm nhìn mới về vấn đề này.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là một trong những dự án luật được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp lần thứ 5. Tại buổi họp tổ chiều 5/6, các đại biểu đều cho rằng nước là một trong những tài nguyên quan trọng, cần có sự điều tiết và điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật.

Tài nguyên nước đối mặt với vấn đề sử dụng lãng phí, khai thác quá mức, ô nhiễm

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.

an-ninh-nguon-nuoc-10.jpg
Nước là tài sản quý giá cần được bảo vệ, điều tiết, sử dụng, quản lý hài hòa hợp lý

Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết của dự án luật, đánh giá hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý.

Các đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng sửa đổi luật lần này cần có một tư duy mới, bởi quản lý tài nguyên nước không chỉ là một ngành, mà là đa ngành, tổng hợp.

Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nước phải là một ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Luật mới quy định tài nguyên nước gồm nước dưới đất, nước mặt, nước mưa và nước biển, tuy nhiên không có quy định nước thải. Trên thế giới ngày nay nước thải là một tài nguyên và nguồn nước ngày càng cạn kiệt mà trong luật cũng đặt ra vấn đề tái sử dụng chính là nước thải.

pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QH

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề tài nguyên nước của chúng ta đang đối mặt với vấn đề sử dụng lãng phí, khai thác quá mức, ô nhiễm nghiêm trọng cần đặt ra để giải quyết trong Dự thảo Luật. Trong khi đó, không tái tạo sử dụng lại nhiều dẫn tới việc lãng phí thất thoát có tài liệu thống kê ở nước ta từ 37 – 50%.

"Nước không phải thứ trời cho không mà là tài sản, hàng hóa có giá trị và ngày càng có giá trị. Nhà nước phải điều tiết nước như điều tiết điện. Nước là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải trả tiền và tài nguyên nước phải là một ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý Nhà nước. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo Luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Còn đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, trong thời gian qua thực hiện Luật Tài nguyên nước còn có một số chồng chéo giữa các luật gây khó khăn trong quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, về quy định dòng chảy tối thiểu trên sông, cuối hạ lưu hồ chứa, đập dâng là một trong những căn cứ xem xét quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ. Tuy nhiên qua rà soát, việc xác định dòng chảy tối thiểu phải làm trước quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt song dự thảo cũng không có quy định thời gian nào phải làm, phải xong, phải công bố cũng như các phương pháp, công cụ tiêu chuẩn liên quan đến xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu là thấp nhất đối với sông, suối liên quốc gia liên tỉnh, nội tỉnh hồ chứa.

“Nếu không có hoặc chưa xác định được thì liệu quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh cũng như nhiều quy hoạch khác có được phê duyệt hay không. Do đó, ban soạn thảo cần rà soát cân nhắc quy định này phù hợp thực tiễn”, đại biểu nêu.

Tiến tới quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi (TP Hà Nội) cho rằng, dự án đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, đã có tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế. Việc sửa đổi Luật này là kịp thời, đúng thời điểm xu thế cuộc sống hiện nay cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước. Nội dung sửa đổi Luật Tài nguyên nước tương đối toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bất cập hiện nay.

Về quản lý nguồn nước theo lưu vực sông, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông cũng như đề nghị bổ sung trách nhiệm các bộ ngành, tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu.

Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, hiện nay Hội đồng lưu vực sông hiện có nguồn lực còn khiêm tốn nên đề nghị cần quy định nguồn lực để bố trí hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, trong dự án Luật cần quy định rõ hơn về hoạt động quản lý nước ở lưu vực sông cần linh hoạt, hiệu quả hơn.

Tại phiên thảo luận Tổ, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cảm ơn và mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các ý kiến góp ý sẽ được ban soạn thảo tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ.

bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-dang-quoc-khanh.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Đ.X

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước. Do đó, phải bảo vệ, sử dụng và điều tiết nước một cách hài hòa, hợp lý. Ở những địa phương làm được thủy lợi tốt, giữ được nguồn nước, đảm bảo và điều tiết được nguồn nước thì đỡ lũ lụt, hạn hán.

Trước ý kiến các đại biểu Quốc hội về làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiện, bền vững nhất nguồn nước, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu trên quan điểm hoàn thiện hành lang pháp lý. Từ đó, thống nhất, đảm bảo minh bạch để khai thác tối đa nguồn lực của tài nguyên nước như phân bổ, điều tiết, sử dụng...

"Việc đảm bảo an ninh nguồn nước vì chúng ta chủ yếu phụ thuộc nguồn chảy vào. Vậy vấn đề đặt ra là giữ nước như thế nào, tạo sinh thủy ra sao... Sau khi mưa, chúng ta không có các công trình thủy lợi thì chúng ta không giữ được để chảy ra biển hết, nhưng nắng lên thì không có nước để dùng”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo để giữ gìn, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Một vấn đề đặt ra theo người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường là kiểm soát, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Ông cho rằng quá trình xử lý và tái sử dụng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm nguồn nước. Hiện nay, nhiều dự án xử lý nước đã qua sử dụng theo chu trình tuần hoàn, gần như không có nước thải ra môi trường. Như vậy, Việt Nam cần những hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo vừa kiểm soát ô nhiễm mà sử dụng nguồn nước hợp lý.

Trong dự thảo Luật cũng phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và công trình khai thác của trungương, địa phương để tránh xung đột, chồng chéo. Từ đó, tạo thành hệ thống đồng bộ từ quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên nước. "Đó là mục đích chúng ta phải đạt được”, ông nói.

Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý nguồn nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng xu hướng sắp tới sẽ quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số. Muốn quản lý được thì phải điều tiết được, muốn điều tiết được phải có số liệu dữ liệu. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả vận hành, điều tiết nguồn nước một cách khoa học, hiệu quả.

Bài liên quan
  • Các địa phương chủ động ứng phó với hạn hán
    Năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino. Năm 2024, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân cần phải có kế hoạch ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước là tài sản “càng ngày càng có giá trị” cần sử dụng có trách nhiệm, tiết kiệm