Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 3): Vẫn còn những thách thức

Lam Trinh |26/04/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sự suy giảm về nguồn nước và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã khiến vùng núi các tỉnh Trung bộ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thách thức không nhỏ đối với Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Tác động từ biến đổi khí hậu

nuoc-vung-cao.png
Lắp đặt nhà máy nước cơ động Yên Thủy cấp nước cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ứng phó tình trạng hạn hán vào mùa hè 2022

Mặc dù miền Trung có hệ thống sông suối dày dặc nhưng do tác động của biến đổi khí hậu đang trở nên cạn kiệt. Mặt khác, những cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá trái phép và người dân đốt nương làm rẫy khiến sông, suối bị cạn kiệt dẫn tới việc không có nước cho công trình nước sạch khiến cho những công trình này bị xuống cấp, hư hỏng, bỏ hoang gây lãng phí. Đây là một rào cản không nhỏ cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào; đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ trong kế hoạch bố trí ngân sách địa phương để giải quyết nhu cầu bức thiết về nước sạch sinh hoạt cho người dân.  

Tại huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, mặc dù có 5 dòng sông chính chảy qua, ngoài ra là khoảng 100 con suối, khe nhỏ nhưng cứ bắt đầu vào mùa hạ là mực nước ở các sông, suối bắt đầu giảm dần, nhiều nơi xuống mức 50% so với lưu lượng chảy bình thường, không đủ áp lực cho các công trình tự chảy dẫn nước về bản làng. Tình trạng mất an ninh nguồn nước ngày càng lộ rõ khi mà về mùa nắng hạn, khe suối ở các xã như Bhalêê, A tiêng, A xan, Ga ri…. hầu như khô kiệt. Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, trước đây nguồn nước ở sông suối rất dồi dào nhưng vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu cùng với sự suy giảm nguồn nước và khô hạn đã khiến người dân miền núi chỉ biết “ngước mặt lên trời cầu mưa”.

Là một trong những địa phương đi đầu trong cung cấp nước sạch với tỷ lệ người dân dùng nước đạt 94%, trong đó, đô thị đạt 98,4% nông thôn đạt 90,5%…song trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 6% người dân chưa tiếp cận nước sạch chủ yếu vùng sâu, vùng xa, miền núi A Lưới. Ngoài ra, dưới tác động của biến đối khí hậu, lượng nước cấp vào mùa khô thiếu hụt nghiêm trọng.

Tại một số nguồn khai thác như Khe Mệ - Nhà máy (NM) Chân Mây, Khe Su của NM Lộc Trì (huyện Phú Lộc), suối Tà Rê của NM A Lưới (huyện A Lưới), lưu lượng nguồn nước thô từ các khe suối giảm từ 60-100m3/h (tương đương 30 - 60% công suất nhà máy). Riêng suối Thượng Ngàn của NM Bình Điền đã khô cạn sớm, chỉ còn 15% công suất của NM, gây nguy cơ thiếu nước. Vào mùa mưa, lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông suối tăng đe dọa hệ thống cấp nước, gây ngập cục bộ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp nước cũng như hệ thống cấp nước.

Thiếu nước sinh hoạt cũng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm nhiều địa phương miền núi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Mặc dù miền Trung có hệ thống sông suối dày dặc nhưng những tác động của biến đổi khí hậu và của con người đã làm sông, suối cạn kiệt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ có 26% người dân vùng nông thôn, miền núi được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Còn lại phải sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình nước sạch phân tán từ Chương trình 134, 135 của Chính phủ, nguồn nước không ổn định. Việc người dân sử dụng nguồn nước suối, nước giếng khoan, giếng đào không hợp vệ sinh có nguy cơ mắc nhiều bệnh.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, đến năm 2030, dưới tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ có 5 lưu vực sông lớn phải đối mặt với mức độ căng thẳng về nước, 2 lưu vực rơi vào tình trạng căng thẳng nước trầm trọng. Bên cạnh đó, nguồn nước phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước rất khó khăn. Đáng chú ý, ở khu vực miền núi thường xuyên không có nguồn nước dự trữ, nhất là nguồn nước ngầm.

Ngày 24/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký QĐ 1978/QĐ-TTG phê duyệt chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60l/người/ngày. Phấn đấu 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân; Phấn đấu 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Đây là chiến lược quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng để thực hiện được vẫn còn là một chặng đường nhiều gian nan khi mà đồng bào vùng cao ở dọc dãy Trường Sơn vẫn đang từng ngày chật vật tìm nước.  

Thách thức từ những “điểm nghẽn”

26-nc-ngot.png
Những công trình cấp nước ngọt miễn phí tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được đưa vào sử dụng trong mùa khô 2021

20 năm nay, 17 hộ cùng 63 nhân khẩu dân tộc Bana về sinh sống tại xóm Trà Hương, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định vẫn không có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Để có nước sử dụng hàng ngày, người dân phải tự đào giếng khoan rồi dùng máy bơm hút nước vào các bể chứa. Thế nhưng, nguồn nước giếng này thường xuyên bị vàng đục, nhiễm phèn nổi váng có mùi hôi nên chỉ dùng để tắm, giặt và phục vụ tưới tiêu chứ không thể sử dụng ăn, uống được.

Để có nguồn nước sinh hoạt, hàng ngày bà con phải lên suối tự nhiên ở đầu nguồn cách xóm Trà Hương khoảng 2km và gánh bộ nước về nhà chứa vào các bình nước trữ dùng dần. Cứ thế bà con đã sống như vậy với nguồn nước suối tự nhiên kéo dài nhiều năm qua.

Mỗi ngày, bà Đinh Thị Thoái, ở xóm Trà Hương, thôn Đại Khoang, xã Cát Lâm  phải lặn lội đi gom từng can nước ở suối Ngang nằm ở dưới vực sâu để trữ trong nhà, phục vụ sinh hoạt. “Đi lấy nước vừa xa vừa nguy hiểm nhưng không lấy nước suối về ăn, uống thì không biết dùng nước ở đâu để sinh hoạt. Bà con ở đây chủ yếu làm nương rẫy, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống khó khăn không thể mua nước bình về dùng, chỉ có lấy nước suối Ngang về sinh hoạt tạm qua ngày thôi.” – bà Thoái cho biết.

Tại tỉnh Cà Mau, mặc dù hiện có khoảng 11.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các công trình cung cấp nước sạch tập trung trong đó có khoảng 9.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer thì vẫn còn một bộ phận đồng bào thiểu số vùng nông thôn vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Đa phần số đồng bào này sống phân tán, tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Sơn Văn Quang, dân tộc Khmer ở ấp 14 xã Khánh An, huyện U Minh bày tỏ, từ khi có nước giếng sử dụng, đồng bào dân dân tộc Khmer ở ấp 14 không còn sử dụng nước sông để tắm, giặt như trước. Tuy nhiên, do giếng của gia đình sử dụng nhiều năm nên nguồn nước không còn ngọt như trước, có thể nguồn nước bị nhiễm chất bẩn.

Theo ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, qua rà soát, một số hộ dân ở ấp 12, ấp 16, ấp 17 đang gặp khó khăn trong vấn đề sử dụng nước do những khu vực này khoan giếng không tìm được mạch nước ngọt, thậm chí khoan ở độ sâu từ 300-400m nhưng vẫn không có nước ngọt sử dụng. Xã đang dự tính đầu tư hệ thống nước khoan ở bên ngoài, sau đó làm hệ thống đường ống dẫn đến các hộ dân nhưng đang vướng mắc về kinh phí đầu tư.

Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho thấy toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số, với hơn 11.750 hộ, trên 48 nghìn người; trong đó, đông nhất phải kể đến đồng bào dân tộc Khmer, nhưng phần lớn sinh sống phân tán ở các huyện, thành phố Cà Mau. Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 900 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, với hình thức là hỗ trợ khoan giếng nước sinh hoạt theo nhóm hộ và hỗ trợ mua bồn chứa nước.

Tại xã Khánh An, Trung tâm nước sạch tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng tại xã hệ thống cấp nước sạch tập trung nhưng quy mô chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân ở ấp 2, 3, 4 và 5. Riêng hệ thống cấp nước ở ấp 17 do thời gian sử dụng đã lâu nên bị xuống cấp nên một số hộ dân ở ấp 12, ấp 16, ấp 17 đang gặp khó khăn trong vấn đề sử dụng nước.

Những hỗ trợ của tỉnh Cà Mau đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt ở những nơi này ngày càng tăng cao. Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế và hỗ trợ nguồn lực để các tỉnh trong khu vực đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết căn cơ đối với những khó khăn về nước sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên hàng năm.

Mặt khác, Cà Mau là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng sạt lở ven sông, ven biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, những đề án, chương trình về chính sách dân tộc thời gian qua đã tạo động lực to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước.

Tuy nhiên, với các dân tộc thiểu số trong vùng ĐBSCL, xảy ra nhiều vấn đề như: 1,8% số hộ chưa được sử dụng điện; 5,8% xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; 8,6% trường học, 10,6% lớp học chưa được xây dựng kiên cố; tỉ lệ hộ nghèo còn 12,3%, cận nghèo 11,9%; còn 23,3% đồng bào Khmer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ…Đây là những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết, tháo gỡ trong chương trình mục tiêu quốc gia tới đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 3): Vẫn còn những thách thức