Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất về chất lượng môi trường không khí vừa được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố, ô nhiễm không khí hiện nay vẫn đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn và các khu công nghiệp.
Kết quả quan trắc dựa trên 3 đợt quan trắc (từ tháng 4 đến tháng 6) đã thực hiện tại 30 điểm thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy môi trường không khí tiếp tục bị ô nhiễm bởi bụi lơ lửng tổng số (TSP) và tiếng ồn. Tỉ lệ phần trăm giá trị TSP vượt quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ) dao động từ 15,6-30,5% và tỷ lệ phần trăm giá trị LAeq vượt quy chuẩn Việt Nam (từ 6 giờ đến 21 giờ) dao động từ 56,7-68,5%.
Đối với các thông số khác như sunfua dioxit (SO2), nitơ đioxit (NO2), kết quả quan trắc tại các khu công nghiệp và nút giao thông trong 6 tháng đầu năm cho thấy không có biến động so với cùng kỳ 2019. Tất cả các giá trị của các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép theo quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Các điểm quan trắc có giá trị vượt quy chuẩn tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông, khu vực có hoạt động xây dựng hoặc gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng.
Tại các khu công nghiệp, giá trị bụi TSP trung bình dao động trong khoảng 72-903 µg/m3. Giá trị TSP trung bình có sự gia tăng và vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ) như: Khu công nghiệp Sóng Thần II (đợt 2, tháng Năm và đợt 3, tháng Sáu), khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài (đợt 3, do thời điểm quan trắc mặt đường nhiều cát đá, xe container chạy qua cuốn theo gây ra ô nhiễm bụi cục bộ).
So với cùng kỳ năm 2019, mức độ ô nhiễm TSP tại bãi KT đá Hòn Sóc giảm đáng kể (giá trị TSP trung bình 3 đợt đầu năm 2019 đều vượt quy chuẩn). Hầu hết các điểm quan trắc còn lại trong khu vực đều có giá trị TSP trung bình nằm trong ngưỡng cho phép theo quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ).
Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Môi trường cũng cho thấy trên các trục đường và nút giao thông, giá trị TSP trung bình khá cao và có sự biến động theo vùng miền.
Cụ thể, giá trị TSP tại các điểm trên trục đường giao thông các tỉnh vùng khu kinh tế trọng điểm phía Nam cao hơn vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và dao động từ 25-687 µg/m3.
Các vị trí có giá trị TSP trung bình cao và vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ) là: ngã ba Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thị trấn Tân Phước Khánh (Bình Dương) và thị trấn Đức Hòa (Long An). Đây là các vị trí có mật độ phương tiện giao thông cao và cơ sở hạ tầng đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo.
So với cùng kỳ năm 2019, giá trị TSP trung bình 6 tháng đầu 2020 có xu hướng giảm nhẹ tại điểm ngã tư Bình Phước (Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và ngã 3 Dầu Giây (Đồng Nai). Các điểm quan trắc trên trục đường giao thông tại vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có giá trị TSP trung bình nằm trong ngưỡng cho phép theo quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ).
Về tiếng ồn, giá trị tiếng ồn LAeq trung bình tại các điểm quan trắc trong 6 tháng đầu năm phần lớn đều vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam (70 dBA, áp dụng với khung thời gian từ 6-21 giờ), với tỷ lệ vượt chuẩn dao động từ 56,7-68,5%, trong đó tập trung chủ yếu tại ở các trục đường giao thông và các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp.
“Như vậy, môi trường không khí tại khu vực miền Nam 6 tháng đầu năm bị tác động do bụi TSP và tiếng ồn gây ra bởi hoạt động sản xuất và giao thông trong vùng. Một số điểm bị ô nhiễm cục bộ. Tuy nhiên. các thông số NO2 và SO2 đều cho giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép,” báo cáo nhấn mạnh.
Minh Anh (T/h)