Ô nhiễm môi trường từ phân bón hóa học (Bài 3): Hướng đến canh tác thân thiện môi trường

Hoàng Nhân|13/11/2020 13:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phân bón là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón tràn lan đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực. Vậy giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này?

Thay đổi tập quán sản xuất

Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả. Theo số liệu tổng hợp Bộ NN&PTNT, hiện, cả nước có 26 triệu hecta đất gieo trồng, tổng lượng phân bón sử dụng từ 10 – 11 triệu tấn/năm. Trong khi đó, hiệu suất sử dụng phân đạm khi bón vào đất chỉ đạt 30 – 45%, phân lân 40 – 45%, kali 40 – 50% tùy theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón. Từ thực tế này, ước tính việc sử dụng phân bón đang gây lãng phí 30.000 tỷ đồng/năm. Đáng lo ngại hơn, một lượng không nhỏ dư lượng do không được cây trồng hấp thu sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và có thể gây đột biến gen đối với một số cây trồng.

Để hạn chế tối đa lượng phân bón dư thừa trong đất do bón phân quá liều, nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp khuyến cáo cần bón phân cân đối, hợp lý, phù hợp với cây trồng, đất trồng, khí hậu, kỹ thuật canh tác.

Mỗi loại phân bón thường thích hợp với một đối tượng sử dụng cụ thể, không hiệu quả đối với cây trồng này, đất này nhưng lại hiệu quả với cây trồng khác hay đất khác. Do đó, cần tăng cường mở các lớp tập huấn cho nông dân để họ có kiến thức chọn đúng loại và dạng phân phù hợp với cây trồng, tránh tình trạng bón phân vô tội vạ và không theo quy trình kỹ thuật.

Cách thức sử dụng phân bón là một yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông sản.

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả chương trình 3 giảm (giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo trồng) để đạt 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Cùng với đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp) nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân hiểu đúng về kỹ thuật, các bộ, ngành liên quan phải làm tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Vì khi người dân mua phải loại phân bón này để sử dụng, hiệu quả vừa thấp, bị thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Những hậu quả không thể xem thường từ tình trạng lạm dụng phân bón trong trồng trọt cho thấy đã đến lúc phải dứt khoát nói “không” với tập quán sản xuất cũ. Làm được như vậy, bản thân người nông dân cả nước tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng và quan trọng hơn là sản xuất nông phẩm đạt chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Cần có giải pháp khoa học, phù hợp trong sử dụng phân bón hóa học

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nhiều năm nay, việc ô nhiễm môi trường ở nông thôn và những hiểm họa từ ô nhiễm mà người nông dân đang phải gánh chịu đã không còn là chủ đề mới. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có biện pháp quyết liệt gì để giải quyết triệt để tình trạng đó.

Một câu hỏi đặt ra là: Với khoảng 70% dân số là nông dân, liệu chúng ta có thể sản xuất tốt nếu ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, BVTV, phân bón? Liệu có thể phát triển đàn gia súc, gia cầm nếu còn chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông dẫn đến không kiểm soát được, và chất thải không được thu gom xử lý?.. Tất cả những vấn đề nóng hiện nay như: Dịch bệnh, sức khoẻ người dân… đều liên quan đến nạn ô nhiễm môi trường.

Từ thực tế đó cho thấy, sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Trong đó, phải kể tới vai trò rất quan trọng của người nông dân.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), để sản xuất ra thực phẩm, phải sử dụng rất nhiều tài nguyên đất, nước. Việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất, tiêu tốn 70% lượng nước ngọt,… Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, nông dân phải sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp như: phân bón hóa học, thuốc BVTV… Để sử dụng hợp lý các loại phân bón trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành cần sớm có những nghiên cứu và giải pháp khoa học phù hợp về việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ

Phân hữu cơ vừa cung cấp các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng cho cây trồng, vừa cung cấp cho đất một lượng mùn lớn để duy trì sự hoạt động của các sinh vật và vi sinh vật. Các chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ được chuyển đổi từ những thành phần dễ phân hủy trong nguyên liệu hữu cơ như chất xơ, tinh bột, protein, amino acid… Từ đó phân hữu cơ giúp tạo ra các nông sản thơm ngon, chất lượng cao.

Phân bón hữu cơ còn góp phần quan trọng vào việc cải tạo, trả lại thảm thực vật của đất. Phân bón hữu cơ khác với phân bón hóa học (vô cơ), các chất dinh dưỡng được tổng hợp từ công nghệ hóa, các quặng vô cơ và dưới dạng muối… những yếu tố hóa học này đưa vào đất là tác nhân gây suy thoái, thay đổi thảm thực vật làm cho đất chai sạn, mất dần chất dinh dưỡng trong đất.

Phân bón hữu cơ góp phần phát triển nông nghiệp sạch. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của FAO, năm 2014, SX nông nghiệp hữu cơ trên thế giới đã xuất hiện ở 170 nước, với tổng diện tích canh tác 43,7 triệu ha. Việt Nam có diện tích đất canh tác đứng thứ 56/170 nước. Thế giới ngày càng quan tâm tới an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản, nhiều quốc gia đã quan tâm phát triển và chuyển hướng sang SX nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Nước ta nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất NNHC có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.

Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.

Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất NN như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật.

Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất NN cũng là lợi thế lớn trong sản xuất NNHC ở nước ta do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công.

Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đến NNHC, đặc biệt Nghị định 109/2018/NĐ-CP về NNHC đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Cùng với những nỗ lực của cộng đồng, chúng ta hy vọng sớm tiến đến một nền nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ an toàn và bền vững nhằm nâng cao giá trị của nông sản, góp phần bảo vệ môi trường.

Hoàng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường từ phân bón hóa học (Bài 3): Hướng đến canh tác thân thiện môi trường