Theo người dân địa phương, từ năm 2014 đến nay, làng chài nơi đây “rộ lên” phong trào nuôi tôm tự phát. Họ đổ xô đào ao nuôi tôm thẻ chân chân trắng gần sát với các khu dân cư đông đúc vùng ven biển huyện Bình Sơn. Hộ dân có ít nhất vài chục m2, nhiều nhất đến hơn 500 m2 ao nuôi tôm. Mỗi hồ nuôi chứa từ vài khối đến hàng chục mét khối nước để nuôi tôm.
Nhiều hộ dân đào ao nuôi tôm tự phát trên đồi cao ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn). Ảnh: Zing.vn
Ông Dương Minh Qúy (ngụ xã Bình Hải) cho hay nhiều hộ dân đấu nối ống nhựa dùng mô tơ hút nước biển lên rồi pha với nước ngọt tạo thành “nguồn nước lợ” để nuôi tôm. “Cứ 2 đến 3 ngày là họ xả nước hồ nuôi kèm theo cặn bã thức ăn, phân tôm trực tiếp ra biển, sau đó họ hút nước biển bơm vào hồ thay thế”, ông Qúy nói.
Nước thải từ các hồ tôm liên tục xả thẳng xuống biển khiến nguồn thủy sản ven bờ nơi đây ngày càng suy giảm, cạn kiệt. Ông Nhan Văn Đồng (ngụ xã Bình Trị) cho biết lúc trước vùng biển nơi tôm, cá sinh sống nhiều. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm xả nước thải có hóa chất xử lý hồ, cặn bã thức ăn, phân tôm… chảy trực tiếp xuống biển gây ô nhiễm môi trường.
“Hiện chúng tôi thả lưới ở vùng biển ven bờ khu vực này rất ít có tôm, cá”, ông Đồng cho biết thêm.
Ống nhựa xả nước thải chảy ào ạt xuống biển. Ảnh: Zing.vn
Theo thông tin trên Zing.vn, ông Võ Văn Phấn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), xác nhận năm 2014, nhiều người dân địa phương từ phản đối việc xả thải xuống biển Dung Quất của các hộ nuôi tôm tự phát trên địa bàn xã.
Theo ông Phấn, mỗi hồ nuôi tôm rộng 500 m2, sâu gần 1,5m thì hàng chục mét khối nước treo “lơ lửng” trên đầu khu dân cư rất nguy hiểm. Năm 2015, xã Bình Hải từng đình chỉ bốn hộ dân nuôi tôm trên đồi với hệ thống bờ bao sơ sài nhằm tránh gây nguy hiểm tính mạng cho người dân sống ở khu dân cư bên dưới. Đến nay, còn khoảng 7 hộ nuôi tôm ven biển nhưng không còn nuôi tôm trên đồi đe dọa khu dân cư nữa.
Riêng vấn đề xả thải từ các hồ nuôi tôm trực tiếp ra biển, chính quyền cũng nhiều lần nhắc nhở bà con làm bể lắng sinh học, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường biển nhưng “đâu lại vào đó”.
Được biết, đây là vùng biển nằm trong khu vực công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, một trong những vị trí Quảng Ngãi đưa vào hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh để trình UNESCO tháng 11 tới.
Hoàng Minh (T/h)