(Moitruong.net.vn) – Ngày 19/7, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Trao bằng khen của Bộ NN&PTNT cho các cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra,
kiểm tra và xử lý vi phạm về tạp chất tôm
Theo đó, ngay sau khi Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2419/QĐ-CP ngày 13-12-2016,để thực hiện tốt Đề án này, Bộ NN-PTNT đã xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản sửa đổi, trong đó quy định rõ hành vi đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại, đây là một trong những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản.
Bộ NN-PTNT cũng ban hành Thông tư về kiểm tra tạp chất trong tôm và sản phẩm tôm. Thông tư đã bám sát yêu cầu nêu tại Đề án 2419 để khắc phục các bất cập, phù hợp và thuận lợi cho hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về tạp chất của các cơ quan chức năng, trong đó đã quy định rõ trình tự thủ tục thực hiện việc kiểm tra, xử lý khi phát hiện tạp chất. Đặc biệt, phương pháp phát hiện tạp chất mới đã được rà soát, hoàn thiện, khắc phục các bất cập của phương pháp cũ, có thể kiểm tra hữu hiệu để khẳng định tạp chất trong tôm và tôm đông lạnh.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất 14 cơ sở sản xuất kinh doanh tôm tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hà Nội và Thanh Hóa đã phát hiện, bắt quả tang và xử lý 8 cơ sở thu mua, sơ chế và một doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất; tổng số tiền phạt trên 400 triệu đồng. Riêng 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, qua kiểm tra 327 lượt đã phát hiện 118 cơ sở vi phạm bơm tạp chất với số lượng gần 24.000kg, số tiền xử phạt gần 3,7 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt Đề án này thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, địa phương cần khẩn trương thực hiện đầy đủ, quyết liệt các nội dung đã được phân công tại Đề án 2419. Qua đó, tiếp tục tổ chức thêm các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành đột xuất các cơ sở thu mua, sơ chế, triệt phá các tụ điểm “nóng”, phức tạp về hành vi vi phạm đưa tạp chất vào tôm và xử lý điểm một số vụ vi phạm tạo sức răn đe, thậm chí rút giấy phép.
Các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hành vi vi phạm đưa tạp chất vào tôm; tố giác, đấu tranh với những đối tượng đưa tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất; khẩn trương hoàn thành việc ký cam kết không vi phạm về hành vi này đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh tôm; công bố công khai danh sách cơ sở đã ký cam kết trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tổ chức thu thập thông tin, tiến hành trinh sát để thanh, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, đặc biệt là tăng cường biện pháp xem xét, xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm đưa tạp chất vào tôm trên địa bàn.
Dịp này, đại diện Bộ, ngành và những địa phương trọng điểm đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và trao Bằng khen của Bộ NN-PTNT cho 02 tập thể và 09 cá nhân đã có thành tích trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về tạp chất tôm trong thời gian qua.
Quốc Tuấn