Phát huy ý thức của cộng đồng dân cư để bảo vệ môi trường
Gần một thập kỷ trước, phong trào giảm sử dụng túi nilon khi đi chợ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Hình ảnh các bà, các mẹ tay cầm làn, tay xách túi vải đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại các khu chợ. Tuy nhiên, sau một thời gian, những hình ảnh này dần biết mất, và đến thời điểm hiện tại, khi ra chợ, chỉ còn một bộ phận nhỏ người dân sử dụng làn vải thay vì túi nilon.
Vì sao phong trào giảm sử dụng túi nilon không duy trì lâu dài?
Để tìm hiểu nguyên nhân, tôi đã ghé thăm một cửa hàng bán xôi, nơi thường cung cấp các loại đồ uống như sữa đậu nành, nước đậu đen,.. chủ yếu đựng trong chai nhựa hoặc túi nilon. Mặc dù nhận thức được rằng, hoàn toàn có thể thay thế chai nhựa hay túi nilon bằng các vật liệu thân thiện với môi trường nhưng cả người bán và người mua đều cho biết, thói quen sử dụng chai nhựa, túi nilon vẫn rất phổ biến vì sự tiện lợi mà chúng mang lại. Chỉ khi có giải pháp thay thế hợp lý với giá cả phải chăng, thói quen này mới có thể thay đổi.
Thực tế, cốc giấy và ống hút giấy đã được một số quán giải khát, cà phê thay thế cho đồ nhựa, nhưng giá thành của chúng còn khá cao, và tại những cửa hàng bình dân hay quán ăn vỉa hè, sản phẩm nhựa vẫn là lựa chọn chính.
Rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Mỗi năm, hàng triệu tấn nhựa bị xả thải ra môi trường, phần lớn trong số đó không thể phân hủy tự nhiên và tồn tại trong hàng trăm năm. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng các hệ sinh thái tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật. Nhựa không chỉ là mối đe dọa đối với động vật và hệ sinh thái mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Các chất hóa học có trong nhựa, đặc biệt là các bisphenol và phthalates, có thể gây ra rối loạn nội tiết và có liên quan đến các bệnh ung thư, rối loạn sinh sản và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Những chất độc này có thể xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm, nước uống, hoặc từ việc tiếp xúc trực tiếp với nhựa.
Giải pháp thay thế: Thách thức về giá cả và ý thức cộng đồng
Việc hoàn toàn loại bỏ túi nilon và đồ nhựa trong sinh hoạt gia đình là điều có thể thực hiện được, nhưng gây không ít bất tiện. Người dân sẽ phải mang làn, hộp đựng thức ăn, bình giữ nhiệt thay cho chai nhựa. Tuy nhiên, trong thực tế, hàng quán và các cửa hàng vẫn sử dụng túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa, gây khó khăn cho những người muốn thực hiện theo cách này.
Trước đây, đã có phong trào khách hàng tự mang cốc, bình đựng để lấy nước mang về, nhưng do thiếu sự duy trì lâu dài, hiệu quả của chương trình này đã giảm sút. Để tạo ra sự thay đổi bền vững, cần phải có một hệ thống cung ứng, trong đó cả người bán và người mua đều tham gia tích cực vào việc giảm thiểu rác thải nhựa. Một phương án khả thi là khuyến khích các cửa hàng, nhà hàng triển khai các chương trình khuyến mãi gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời tích hợp ưu đãi cho khách hàng thông qua các ứng dụng di động khi họ không sử dụng đồ nhựa.
Cần có hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Theo chia sẻ từ một nhân viên dọn vệ sinh tại chợ đầu mối Long Biên, mỗi ngày có hàng tấn túi nilon thải ra môi trường, gây tác động xấu đến hệ sinh thái. Mặc dù tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm, nhưng túi nilon vẫn là vật dụng không thể thay thế trong sinh hoạt hằng ngày của đại đa số người dân.
Để giải quyết vấn đề này, trước tiên cần nâng cao ý thức cộng đồng thông qua các chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, đồng thời áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi xả rác bừa bãi, dù là chai nhựa hay túi nilon. Việc đưa các quy định bảo vệ môi trường vào cộng đồng dân cư cần phải trở thành một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.
Các quy định xử phạt đã có trong luật nhưng việc thực thi vẫn chưa đủ mạnh mẽ. Điều này một phần do thiếu lực lượng giám sát và hệ thống kiểm soát hiệu quả. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh các giải pháp vĩ mô như thành lập các quỹ bảo vệ môi trường, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát và vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường là cần thiết.
Việc tích cực vận động người dân thay đổi hành vi từ những việc nhỏ như sử dụng sản phẩm thay thế đồ nhựa, túi nilon, trồng cây xanh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm điện, là những biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Cùng với đó, cần thúc đẩy các biện pháp ưu đãi về thuế và hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời tăng thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gây hại cho môi trường.
Chúng ta cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các phương án tổng thể để làm sạch môi trường, xử lý độc hại trong nước, đất và không khí. Tất cả những nỗ lực này sẽ giúp tạo dựng một nền tảng ý thức bảo vệ môi trường vững chắc trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và xây dựng một môi trường sống xanh, sạch cho thế hệ tương lai.