Theo đó, Huế đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa ra môi trường.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó số lượng túi nilon thải ra môi trường hằng năm là khoảng 31,4 tỷ túi, và chỉ 17 % trong số đó được tái sử dụng (số liệu năm 2018).
Nhờ vào những đặc điểm như tính tiện lợi, độ bền cao, khả năng chống nước và ẩm, cũng như khả năng chịu lực mạnh mẽ, túi nilon được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào túi nilon đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe của con người.
Túi nilon khi bị đốt sẽ tạo ra khí dioxin và furan, đây là hai loại khí độc có thể gây ngộ độc, suy giảm miễn dịch, dị tật bẩm sinh ở trẻ, thậm chí là ung thư. Nếu dùng bao bì nilon đựng thực phẩm nóng, các kim loại nặng trong túi như chì và cadimi sẽ bị ngấm vào thức ăn, gây suy gan, ung thư phổi và ung thư gan,…Các nghiên cứu cho thấy túi nilon chứa chất BPA có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ và gây chậm phát triển, cũng như gây ra viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Túi nilon có thể gây lỗi nhiễm sắc thể, làm thay đổi mô và tổn thương di truyền theo thời gian. Hóa chất từ túi nilon có thể thấm vào thức ăn và hấp thụ vào cơ thể, gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh hoặc lỗi nhiễm sắc thể. Các chất trong nilon có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch ở trẻ em, gây rối loạn hành vi và nhận thức.
Ngoài tác động đến sức khỏe, tác hại của việc sử dụng bao bì nilon còn có ảnh hưởng lớn đến môi trường, tạo ra những hiểm họa đáng kể. Theo nghiên cứu của các nhà môi trường, túi nilon khó phân hủy và mất từ 500 - 1000 năm để hoàn toàn phân hủy trong môi trường tự nhiên. Một số loại túi nilon thậm chí không bao giờ phân hủy nếu không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Sự gia tăng sản xuất nilon trên toàn cầu đã tạo ra lượng lớn túi nilon được thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đáng kể đến trái đất.
Từ năm 2021, Huế đã triển khai Dự án (DA) “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi TP. Huế. Kết quả mong đợi của DA là đến năm 2024, Huế trở thành Đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý; đồng thời giảm 30% lượng thất thoát RTN, trong đó có túi nilon ra môi trường. Để đạt được mục tiêu đó, Huế đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực để giảm túi nilon, RTN dùng một lần ra môi trường.
Gần đây nhất, nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon, DA “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” phối hợp với các siêu thị trên địa bàn tổ chức sự kiện “Tháng không túi nilon” với chủ đề “Mua sắm xanh, sống trong lành”.
Sự kiện “Tháng không túi nilon” này kéo dài đến ngày 31/7/2024, để khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi nilon khi đi mua sắm bằng cách mang theo túi cá nhân, túi thân thiện môi trường hoặc tái sử dụng lại các loại túi nilon. Qua đó nhằm thay đổi hành vi và hình thành thói quen mang túi mua sắm cá nhân, giảm phát sinh và ô nhiễm nhựa tại TP. Huế. Tham gia sự kiện này, nhiều người chia sẻ, giảm sử dụng túi nilon khi đi mua sắm là việc làm nhỏ nhưng tạo ra sự thay đổi lớn, góp phần xây dựng thói quen “mua sắm xanh”, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, để môi trường ngày một bền vững, TP. Huế ngày càng sáng, xanh, sạch…