Việc quá tải lưới điện truyền tải tại khu vực này đã được cảnh báo trước. Thực tế là hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất.
Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và Mặt Trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện Quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW công suất điện Mặt Trời được đưa vào vận hành năm 2020).
Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất. Cụ thể, Ninh Thuận có 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000 MW, còn Bình Thuận có 19 nhà máy với tổng công suất 871 MW. Vì thế, đây là nơi tình trạng quá tải lưới điện diễn ra trầm trọng. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%. Điển hình Trục đường dây 110kV Tháp Chàm – Hậu Sanh – Tuy Phong – Phan Rí quá tải tới 260-360%…
Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này cũng rất lớn, với Ninh Thuận là từ 1.000-2.000 MW và Bình Thuận là từ 5.700-6.800 MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống).
Sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải; trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%.
Cụ thể, các đường dây, trạm biến áp trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận luôn bị tình trạng quá tải là đường dây 110 kV Tháp Chàm-Hậu Sanh-Tuy Phong-Phan Rí mức mang tải lên tới 260-360%; đường dây 110 kV Phan Rí-Sông Bình-Đại Ninh mang tải 140%; đường dây 110 kV Đa Nhim-Đơn Dương mang tải 123%; trạm biến áp 550 kV Di Linh mang tải 140%; trạm biến áp 220 kV Đức Trọng-Di Linh mang tải 110 %… Mức mang tải này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Việc quá tải hệ thống lưới truyền tải buộc A0 phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện Mặt Trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Việc tăng/giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đều được A0 thực hiện theo quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời.
Đặc biệt, A0 cũng ứng dụng phần mềm tự động điều chỉnh công suất (AGC), trực tiếp điều khiển công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, nhằm duy trì trào lưu công suất trong ngưỡng cho phép.
Quá tải điện mặt trời, thiệt hại cho các nhà đầu tư và bên mua điện.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0 cho hay, EVN/A0 cũng mong muốn được phát hết công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo, bởi giá điện từ năng lượng tái tạo dù có đắt (2.086 đồng/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nguồn nhiệt điện dầu (từ 3.000-5.000 đồng/kWh).
Trong khi đó, hiện nay, EVN vẫn đang phải huy động nhiệt điện dầu với giá thành cao để đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong chế độ huy động nguồn, các nguồn năng lượng tái tạo cũng luôn được ưu tiên huy động tối đa theo quy định.
“Chúng tôi đã dồn toàn lực trong thời gian qua để mong các nhà máy điện Mặt Trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống. Nhưng hiện nay phải giảm công suất do quá tải lưới điện, là điều mà EVN/A0 không hề mong muốn,” ông Cường khẳng định.
Đại diện Cục Điện tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, phần lớn các chủ đầu tư điện Mặt Trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã biết trước việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất. Việc cần làm trước mắt là tìm giải pháp để đẩy nhanh các dự án lưới điện truyền tải.
Thời gian tới, rất cần sự chung tay từ Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư, EVN… để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy, bổ sung nguồn điện cho đất nước.
Cụ thể, dự án Trạm biến áp 220 kV Phan Rí dù đã có nhà thầu xây lắp từ tháng 12/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thi công được do gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tính đến thời điểm 20/6/2019, mới vận động bàn giao được 4.508/39.619,2 m2 mặt bằng.
Trong khi đó, Dự án đường dây 220 kV Nha Trang-Tháp Chàm, theo kế hoạch sẽ đóng điện vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, hiện đang gặp vướng mắc ở 55 vị trí móng qua rừng tự nhiên, phải phải báo cáo Thủ tướng có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Hệ thống pin nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi
Chính quyền các địa phương cần xem xét, chỉ đạo các sở, ban ngành quyết liệt hơn nữa trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng cần linh động trong việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng trước để nhà thầu thi công, song song với thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Về phía EVN, lãnh đạo tập đoàn này khẳng định bằng mọi cách sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời vào cuối năm 2020. Trước mắt, 2 năm tới, tập đoàn này sẽ tập trung đầu tư lưới điện để ưu tiên tối đa giảm việc yêu cầu các dự án điện mặt trời giảm công suất phát. Tập đoàn đã giao Tổng công ty truyền tải và Tổng công ty điện miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án, đơn cử như nâng cấp mạch 1 đường dây Tháp Chàm – Phan Rí xong trước tháng 9/2019, mạch 2 sẽ thay đường dây có tiết diện 300mm cố gắng đưa vào trước tháng 4/2020…
Ngọc Linh (t/h)