Phó Thủ tướng ‘chốt’ 7 nhiệm vụ giao ngành Tài nguyên môi trường

An Nhiên|31/12/2020 07:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu ngành Tài nguyên và môi trường phải thực hiện 7 nhiệm vụ lớn trong năm 2021, hướng đến phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm giai đoạn 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ các năm tiếp theo của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong năm qua dù cả nước đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng tài nguyên môi trường vẫn là lĩnh vực “nóng,” đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, hướng tới phát triển xanh, tuần hoàn.

Năm 2020 là năm Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Tài nguyên môi trường, Việt Nam vẫn đạt được ” mục tiêu kép” chống dịch và tăng trưởng kinh tế. Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại lễ Tổng kết 5 năm công tác ngành Tài nguyên môi trường diễn ra sáng 30/12, tại Hà Nội.

Năm qua, ngành Tài nguyên môi trường đã hoàn thiện, đổi mới phương thức quản lý, Luật Bảo vệ môi trường được thông qua với nhiều điểm mới quan trọng, đột phá hướng đến phát triển bền vững. Nhưng, suy thoái, suy giảm tài nguyên đất đai chưa được kiểm soát chặt chẽ; nhu cầu sử dụng tài nguyên nước gia tăng, hạn chế về nguồn lực. Tình trạng ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm trong thu gom, xử lý rác nhiều nơi còn bất cập dẫn đến khiếu kiện đông người.

Để giải quyết những tồn tại trên, ngành Tài nguyên môi trường thực hiện 7 nhiệm vụ cấp bách trong đó tập trung quản lý các nguồn lực tài nguyên, hoàn thành quy hoạch quốc gia, quản lý tài nguyên nước, môi trường, khoáng sản, biển đảo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Thứ nhất là quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, đảm bảo tránh thất thoát; thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, phòng ngừa kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại rủi thiên tai.

Thứ hai là khẩn trương rà soát, hoàn thành quy hoạch quốc gia; tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên và môi trường vùng bờ, quy hoạch bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến quy hoạch sử dụng đất đai phải đảm bảo sự đồng bộ, khả thi trong triển khai thực hiện; đảm bảo quỹ đất cho phát triển trước mắt và lâu dài; bám sát các định hướng lớn định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn, bảo vệ diện tích đất rừng, kết nối chặt chẽ với quy hoạch không gian biển để tạo sự liền mạch, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của biển cho phát triển bền vững, mở cửa hội nhập.

Thứ ba là thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đó, thực hiện cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 90% thủ tục hành chính của ngành.

Thứ tư, đối với các lĩnh vực quản lý cụ thể như quản lý đất đai, Phó Thủ tướng đề nghị triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; tập trung rà soát xử lý tình trạng dự án chậm triển khai ở địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận đối với diện tích còn lại cần phải cấp; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai.

Về quản lý tài nguyên nước, tiến hành tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; xây dựng Chiến lược quốc gia về an ninh nguồn nước, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông; đẩy mạnh công tác lập và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; kiểm soát việc khai thác, sử dụng nước và việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa.

Về địa chất và khoáng sản, tổ chức điều tra, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún xây dựng bản đồ ở tỷ lệ lớn để điều chỉnh quy hoạch dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng đảm bảo an toàn trước nguy cơ thiên tai; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Về quản lý tổng hợp biển và hải đảo, tăng cường các hoạt động điều phối trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống kê quốc gia về quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế; phát triển mạnh kinh tế biển…

Về bảo vệ môi trường, tổ chức đánh giá, lượng hoá được các chi phí phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội; phải xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư; kiểm soát sác nguồn thải lớn, phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường.

Về dự báo khí tượng thủy văn, cần đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dự báo, đa dạng hoá sản phẩm khí tượng thuỷ văn, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; tích hợp bản đồ phân vùng tai biến địa chất, trượt lở với dữ liệu khí tượng thủy văn, lớp phủ thực vật để phân vùng, dự báo, cảnh báo nguy cơ thiên tại lũ ống, lũ quét, sạt lở đủ độ chi tiết.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu xây dựng chương trình, giải pháp tổng thể để phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cho các vùng chịu rủi ro thiên tai; cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho giai đoạn mới.

Thứ năm là đổi mới chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; chuyển kế hoạch thanh tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận; các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thứ sáu là tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu của ngành tài nguyên và môi trường và sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Thứ bảy là tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu các tác động bất ngờ từ toàn cầu hóa…

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng ‘chốt’ 7 nhiệm vụ giao ngành Tài nguyên môi trường