Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các sở ban ngành, các địa phương cần xác định Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân.
Ngày 16/5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hà Nội dự, phát biểu tại hội nghị.
Thiên tai có diễn biến khó lường
Năm 2024, các loại hình thiên tai diễn biến phức tạp; tuy nhiên, với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, Hà Nội đã giảm thiểu được tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân.
Ảnh hưởng thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống điện… được khắc phục khẩn trương, hiệu quả. Công tác phục hồi, tái thiết, hỗ trợ ổn định, đảm bảo đời sống Nhân dân được quan tâm và có sự tham gia tích cực của toàn dân.

Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, từ nay đến tháng 6/2025, trên địa bàn Hà Nội có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt mưa vừa, mưa to xảy ra trên diện rộng.
Từ tháng 7 - 12/2025, TP có khả năng chịu ảnh hưởng từ 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Cũng trong khoảng thời gian này, Hà Nội dự kiến tiếp tục chịu ảnh hưởng của khoảng 3 - 5 đợt mưa lớn diện rộng.
Liên quan đến diễn biến lũ năm 2025, ông Nguyễn Văn Hiệp thông tin, nửa sau tháng 5/2025, một số sông trong khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong toàn mùa xuất hiện 3 - 5 đợt lũ.
Đỉnh lũ năm 2025 các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và đỉnh lũ năm 2024. Mực nước đỉnh lũ năm trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống dưới mức báo động 1; sông Đáy từ báo động 1, 2. Các sông nội tỉnh (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ…) từ báo động 2, 3.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ trên sông Đà, hạ lưu sông Hồng, sông Đuống vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8. Sông Đáy và các sông nội tỉnh (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ…) vào khoảng cuối tháng 7, tháng 8 hoặc tháng 9.
Phòng, chống thiên tai phải thường xuyên, liên tục
Với mục tiêu coi phòng ngừa là chính, thời gian qua, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ, đã thường xuyên cập nhật văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chủ động tham mưu các văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTT&TKCN, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội cho biết, thiên tai năm 2025 được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các sở ban ngành, địa phương cần xác định PCTT&TKCN là nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân.

Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thời tiết, thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường để chủ động phương án ứng phó trên tinh thần “từ sớm, từ xa” theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các sở ban ngành phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, các công trình đê điều, thủy lợi, cơ sở hạ tầng và các công trình PCTT; chú trọng khu vực, công trình có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình…; kịp thời phát hiện vi phạm, hư hỏng, sự cố, nguy cơ mất an toàn để chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản.
“Khi có tình huống, sự cố xảy ra, các cấp, các ngành phải chủ động triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu; kịp thời, quyết liệt triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.
Riêng đối với hệ thống đê điều, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị cần nghiên cứu nâng cấp với tiêu chuẩn cao hơn so với các tỉnh, TP khác dọc tuyến. Đê điều phải được mở rộng, đầu tư xây dựng kết hợp với giao thông; đồng thời gắn với chỉnh trang, tạo cảnh quan tại các tuyến đê đi qua khu vực đô thị…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành, địa phương theo chức năng của mình, khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống và phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, chi tiết, bám sát tình hình thực tế.
Đặc biệt, các sở ban ngành cần chủ động phối hợp, hướng dẫn, tăng cường lực lượng hỗ trợ UBND cấp xã khi có tình huống xảy ra để đảm bảo công tác PCTT&TKCN không gián đoạn, bị động khi chuyển đổi sang tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp; chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong công tác PCTT&TKCN thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
“Tới đây khi hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính, với 126 xã, phường, cần nghiên cứu để tổ chức lại công tác PCTT&TKCN tại cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Thực hiện triệt để phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các đơn vị hành chính cấp xã” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.