Phòng tránh suy kiệt, mất nước cho trẻ trong những ngày nắng nóng

Mai Hồng (t/h)|25/05/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiệt độ tăng cao bất thường rất dễ làm trẻ em bị suy kiệt vì nóng, mất nước. Đặc biệt, có thể dẫn tới nguy hiểm nếu không có biện pháp xử trí kịp thời.

Quá nhiều hoạt động ở ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể khiến trẻ mắc các bệnh do nắng nóng.

Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não. Khi thân nhiệt tăng cao, tuyến dưới đồi bật đèn xanh, giúp khởi động một loạt thay đổi trong cơ thể. Trẻ thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên và mồ hôi toát ra.

Phần lớn nhiệt dư thừa được thải qua da. Điều này sẽ diễn ra một cách dễ dàng nếu không khí quanh ta mát và khô. Trường hợp ngược lại, nếu không khí nóng và ẩm, và nếu trẻ ở trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng. Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác.

Trẻ dễ “đổ bệnh” do nắng nóng.

Các bệnh liên quan tới nắng nóng

Mất nước: Trẻ nhỏ dễ bị mất nước trong thời tiết nóng do đổ mồ hôi, không uống đủ nước, chơi ngoài nắng nóng.

Nguyên nhân mất nước còn có thể do trẻ hoạt động thể chất hoặc tập thể dục nhiều, bị sốt cao, nôn ói hoặc tiêu chảy nặng, ăn uống không đủ.

Dấu hiệu mất nước nhẹ thường gồm chóng mặt hoặc lâng lâng, cảm thấy buồn nôn, đau đầu, có nước tiểu màu vàng sẫm hay nâu. Trẻ ít tã ướt hoặc tã ít ướt hơn bình thường, ít đi vệ sinh, lưỡi và miệng khô.

Cách điều trị tốt nhất là cho trẻ uống nước hoặc dung dịch bù nước đường uống. Nếu trẻ từ chối, thử pha loãng nước táo hoặc sữa thường uống. Không cho trẻ đồ uống có đường như nước ngọt vì có thể làm mất nước tồi tệ hơn.

Dấu hiệu mất nước nặng là trẻ rất khát, vẻ mệt mỏi và thờ ơ, trông nhợt nhạt và mắt trũng sâu. Trẻ có ít nước mắt hơn bình thường, bứt rứt, buồn ngủ, thở nhanh hơn bình thường và nhịp tim nhanh.

Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước nặng phải đưa đi khám ngay hoặc đến bệnh viện cấp cứu gần nhất.

Trong thời tiết nóng, nếu trẻ đang tuổi bú, cho bú thường xuyên hơn bình thường. Trẻ hơn 6 tháng tuổi có thể cho từng lượng nhỏ nước chín, sau hoặc giữa bữa bú. Cho trẻ lớn uống nước thường xuyên trong ngày, khoảng một đến 1,5 lít mỗi ngày.

Kiệt sức do nóng: Các dấu hiệu cảnh báo như, vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; Da lạnh và ẩm ướt; Mạch nhanh và yếu; Thở nhanh và nông.

Cách xử trí: Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Cần tìm trợ giúp y tế nếu tình trạng này không tiến bộ sau một giờ.

Giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp: cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.

Vào ngày nóng, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước.

Say nắng: Đây là bệnh rất nguy hiểm ngày nắng nóng. Cha mẹ có thể phát hiện trẻ bị say nắng nếu có các dấu hiệu như: Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút; da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí mê sảng, mất ý thức…. Say nắng thậm chí có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị, cấp cứu kịp thời.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu say nắng, cần lập tức hạ thân nhiệt cho trẻ bằng cách: Đưa trẻ vào nơi râm mát, dùng nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người; theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,5 hay 39 độ C; đồng thời gọi xe cấp cứu để đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời.

Để phòng các bệnh do nắng nóng gây ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo cần bảo vệ cơ thể trẻ khi hoạt động ngoài trời như: Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu; tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người, lưu ý không bao giờ để trẻ em trong xe

Đồng thời, vào ngày nóng, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước; tránh uống các loại nước gây lợi tiểu, các loại nước có cồn vì có thể làm gia tăng tình trạng mất nước. Cho trẻ tắm nước mát, làm mát môi trường bằng điều hòa giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả. Đặc biệt, cho trẻ ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng.

Mai Hồng (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh suy kiệt, mất nước cho trẻ trong những ngày nắng nóng