Phúc Thọ (Hà Nội) – Bài 2: Công ty sơn tĩnh điện H&T bị xử phạt 48 triệu đồng vì vi phạm về môi trường và PCCC

Thùy Dương - Phan Thảo|26/08/2024 08:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xưởng sơn tĩnh điện của công ty H&T vừa bị UBND huyện Phúc Thọ và xã Liên Hiệp xử phạt 48 triệu đồng vì vi phạm về môi trường và PCCC. Dù công ty H&T vẫn chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về môi trường nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, khiến người dân vô cùng bức xúc.

UBND xã xử phạt có đúng thẩm quyền?

Trước đó, ngày 17/7/2024 Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã đăng tải bài viết thông tin về Xưởng sơn tĩnh điện của công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại H&T (công ty H&T) do ông Vương Chí Nguyên làm giám đốc tại thôn 6, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Tp. Hà Nội hoạt động trong khu dân cư, không hồ sơ pháp lý về môi trường, PCCC, phát sinh bụi sơn, mùi nồng nặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khoẻ, cuộc sống người dân xung quanh. Dù người dân đã làm đơn kêu cứu tới chính quyền địa phương nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, thoả đáng.

Nhằm tìm hiểu, nắm bắt về công tác kiểm tra, xử lý của Công an huyện Phúc Thọ đối với công ty H&T về môi trường và PCCC, ngày 19/8/2024 PV đã có buổi làm việc với Công an huyện Phúc Thọ.
Trao đổi với PV, thiếu tá Trần Mạnh Tiến – Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế - ma túy – môi trường công an huyện Phúc Thọ cho biết: "Trước khi có thông tin báo chí phản ánh, qua nắm bắt tình hình và thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, đội đã kiểm tra xưởng sơn tĩnh điện của công ty H&T và phát hiện công ty chưa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường, PCCC. Do đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty H&T dừng hoạt động và hoàn thiện các hồ sơ pháp lý theo quy định nhưng công ty không chấp hành".

W_son-tinh-dien-3.png
Thiếu tá Trần Mạnh Tiến - Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế - ma túy - môi trường công an huyện Phúc Thọ làm việc với phóng viên

"Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, ngày 26/7/2024 công an huyện Phúc Thọ phối hợp với UBND xã Liên Hiệp tiếp tục kiểm tra toàn diện đối với công ty H&T. Tại thời điểm kiểm tra, công ty H&T vẫn đang hoạt động. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu ông Vương Chí Nguyên – Đại diện công ty nghiêm túc chấp hành cho dừng hoạt động sản xuất, đội PCCC đã kiểm tra công tác phòng cháy, an toàn cháy nổ và các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, kết quả kiểm tra phát hiện cơ sở chưa đảm bản điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ – CP và chưa trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, cấp nước chữa cháy ngoài nhà, quy định tại phụ lục B, C QCVN 3890 2023. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm trên và tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng vào ngày 9/8/2024", ông Tiến thông tin.

Ngoài ra, tổ công tác cũng yêu cầu đại diện công ty cam kết dừng hoạt động, di dời nhà xưởng, dự án đến địa điểm hợp pháp, xa khu dân cư và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định mới được phép hoạt động.

W_son-tinh-dien-4.png
UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với công ty H&T vì vi phạm PCCC

Được biết, trước đó ngày 18/7/2024 UBND xã Liên Hiệp đã ban hành quyết định xử phạt 8 triệu đồng đối với công ty H&T về hành vi: Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở đang hoạt động mà không có đăng ký môi trường theo quy định. Quy định tại điểm b, khoản 1, điều 14 của Nghị định 45/2022/NĐ – CP ngày 7/7/2022.

W_son-tinh-dien-5.png
Ngày 18/7/2024 UBND xã Liên Hiệp xử phạt công ty H&T 8 triệu đồng vì hành vi hoạt động không có đăng ký môi trường. Tuy nhiên, thẩm quyền xử phạt đối với công ty H&T thuộc UBND huyện Phúc Thọ hay UBND xã Liên Hiệp thì cần cơ quan thanh tra kiểm tra làm rõ

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, công ty H&T đang hoạt động trong khu dân, xả thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, là đơn vị hoạt động có yếu tố nhạy cảm về môi trường thì công ty H&T là đối tượng phải có Giấy phép môi trường và thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND huyện Phúc Thọ. Do đó, hành vi hoạt động không có Giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt với số tiền cao hơn và sẽ phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả có thể là: Buộc di dời dự án đầu tư, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu địa điểm đang thực hiện dự án đầu tư, cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được phê duyệt).

Tuy nhiên, UBND xã Liên Hiệp xử phạt công ty H&T về hành vi hoạt động không có đăng ký môi trường như vậy có đúng thẩm quyền? Vấn đề này cơ quan thanh tra cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Nói về phương hướng xử lý của công an huyện Phúc Thọ đối với công ty H&T để đảm bảo môi trường, cuộc sống của người dân, ông Tiến cho hay: "Thời gian tới công an huyện sẽ tham mưu đến UBND huyện Phúc Thọ chỉ đạo các phòng ngành liên quan và UBND xã Liên Hiệp hoàn thiện hồ sơ, xử lý những vi phạm của công ty H&T theo quy định để đảm bảo an toàn môi trường. Đồng thời sẽ kiến nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã và cơ quan liên quan yêu cầu công ty H&T dừng hoạt động triệt để và vận động hộ cho thuê đất không cho thuê ở đấy nữa và yêu cầu công ty H&T nếu có hoạt động trong lĩnh vực này phải đảm bảo thủ tục và di chuyển đi nơi khác".

Bên cạnh đó, ông Tiến khẳng định: Công an huyện sẽ quyết tâm yêu cầu xử lý chỗ này, phải yêu cầu di dời.

Góc nhìn từ chuyên gia

Trao đổi với PV về hoạt động sơn tĩnh điện trong khu dân cư của công ty H&T gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và cuộc sống của người dân, ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho biết: "Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trước khi triển khai xây dựng và đi vào hoạt động chính thức cần thực hiện, hoàn thành các thủ tục pháp lý về môi trường tương ứng như lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường (tùy thuộc quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh và các yếu tố nhạy cảm về môi trường); trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành chính thức phải đảm bảo thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật BVMT; giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; trường hợp có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người... phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Như vậy, việc xưởng sơn tĩnh điện của công ty H&T (dù hiện tại với quy mô có thể nhỏ) đang gây ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư mà Tạp chí đề cập đã là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật BVMT".

W_son-tinh-dien.png
Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho biết: Ngành sơn tĩnh điện có chứa các chất ô nhiễm đặc thù như hóa chất tẩy dầu mỡ, tẩy gỉ, thụ động hóa bề mặt trong nước thải, bụi sơn (thành phần rất khác nhau) trong khí thải... có khả năng tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, trước hết là đối với nhân công làm việc trực tiếp nếu không được xử lý hiệu quả

Hơn nữa, hoạt động sơn tĩnh điện về lâu dài nếu không được xử lý bụi sơn, mùi sơn, nước thải triệt để sẽ gây ra những tác động đối với sức khỏe người dân sinh sống xung quanh và công nhân lao động, ông Đồng chia sẻ: "Nhìn chung công nghệ sơn tĩnh điện thường bao gồm 3 công đoạn chính là làm sạch bề mặt sản phẩm sơn, phun sơn, sấy khô sản phẩm. Tùy thuộc vào công nghệ, các loại chất thải như nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh có thể rất khác nhau về thải lượng, thành phần và nồng độ ô nhiễm. Mặc dù công nghệ sơn tĩnh điện được coi là công nghệ có lượng phát thải thấp song do chứa các chất ô nhiễm đặc thù như hóa chất tẩy dầu mỡ, tẩy gỉ, thụ động hóa bề mặt trong nước thải, bụi sơn (thành phần rất khác nhau) trong khí thải... có khả năng tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, trước hết là đối với nhân công làm việc trực tiếp nếu không được xử lý hiệu quả, nên về nguyên tắc, các cơ sở sơn tĩnh điện đều phải được trang bị các hệ thống xử lý chất thải tương ứng trước khi xả thải ra môi trường".

Được biết, do quá bức xúc trước hoạt động vi phạm Luật bảo vệ môi trường, bất chấp pháp luật, sức khỏe của nhân dân, người dân đã làm đơn kiến nghị tới UBND huyện và Huyện ủy Phúc Thọ với mong muốn nhận được sự chỉ đạo xử lý quyết liệt, triệt để từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, công ty H&T vẫn hoạt động như thách thức chính quyền và pháp luật, tiếp tục xả mùi, bụi sơn ra môi trường ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cuộc sống của người dân.

W_son-tinh-dien-1.png
Xưởng sơn tĩnh điện của công ty H&T vẫn hoạt động tấp nập dù chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường, vi phạm quy định về PCCC

Nhằm tìm hiểu về quá trình xử lý cũng như trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, đất đai của UBND huyện Phúc Thọ đối với công ty H&T, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua nhưng UBND huyện vẫn im lặng, chưa bố trí làm việc với phóng viên.

PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng động cho biết: "Để xảy ra sự việc công ty H&T hoạt động chưa có hồ sơ pháp lý gì về môi trường, xả thải khiến người dân bức xúc thì trách nhiệm quản lý toàn diện trước hết thuộc về người đứng đầu huyện Phúc Thọ".

Trước sự im lặng của UBND huyện Phúc Thọ và hoạt động bất chấp pháp luật của công ty H&T khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi không biết vì lý do gì mà người dân phản ánh, kiến nghị rất nhiều nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý triệt để.

Liệu UBND huyện Phúc Thọ có đánh đổi môi trường, sức khỏe của người dân để lấy kinh tế hay sự việc sẽ dừng lại ở hình thức phạt cho tồn tại?

Kính đề nghị Thành ủy, UBND Tp. Hà Nội cùng các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để những tồn tại của công ty H&T để người dân nơi đây được hưởng cuộc sống trong lành, sạch sẽ. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thế, cá nhân có liên quan khi để công ty H&T hoạt động bất chấp như vậy.

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bài liên quan
  • Phúc Thọ (Hà Nội): Cần xem xét di dời xưởng sơn tĩnh điện trong khu dân cư gây ô nhiễm
    Xưởng sơn tĩnh điện của công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại H&T (công ty H&T) tại thôn 6, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Tp. Hà Nội hoạt động trong khu dân cư, không hồ sơ pháp lý về môi trường, PCCC, phát sinh bụi sơn, mùi nồng nặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khoẻ, cuộc sống người dân xung quanh. Dù người dân đã làm đơn kêu cứu tới chính quyền địa phương nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, thoả đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phúc Thọ (Hà Nội) – Bài 2: Công ty sơn tĩnh điện H&T bị xử phạt 48 triệu đồng vì vi phạm về môi trường và PCCC
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.