Quản lý, giám sát chặt chẽ nước thải công nghiệp

Ngọc Ánh (t/h)|26/09/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình nước thải công nghiệp, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp.

Thực tế cho thấy, những lợi ích từ các khu công nghiệp mang lại là không thể phủ nhận khi nó kích thích phát triển kinh tế vùng, tăng GDP, giải quyết việc làm… Tuy nhiên, mặt trái của nó là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nếu như không có một hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện.

Theo các nghiên cứu tác động môi trường của Tổng cục Môi trường, các ngành như công nghiệp dệt may, giấy và bột giấy… các chỉ số sinh học của nước thải thường vượt nhiều lần ngưỡng cho phép do sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất, có thể gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng nếu không được xử lý đúng cách.

Đến đầu năm 2020, trên toàn quốc có 274 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 244 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%. Các địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Có 191/244 khu công nghiệp có trạm quan trắc tự động, chiếm 78,3%. Có 276 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 160 cụm công nghiệp có hệ thống tách nước mưa và nước thải, 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 15,8%, 10 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên là do một số địa phương chỉ tập trung thu hút đầu tư, thiếu đôn đốc, kiểm tra, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như đưa vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; chưa giám sát chặt chẽ việc xả nước thải của các khu công nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phía ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Theo Tổng cục Môi trường, nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý sẽ không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sông, nước ngầm, ô nhiễm đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất nhưng một số chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn gây nên rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Vẫn còn nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có trạm quan trắc tự động nên việc quản lý chất lượng nước thải vẫn hạn chế. Ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quản lý, giám sát chặt chẽ nước thải công nghiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.