(Moitruong.net.vn) – Nước ta đang đối mặt tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất lượng nước thải chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, để giảm ô nhiễm nguồn nước cần quản lý nước thải ra môi trường.
Theo các chuyên gia, vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt ở Việt Nam đang ngày một tăng. Chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như: BDO, COD, N, P… cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đáng chú ý, phần lớn nước thải sinh hoạt (khoảng 600 nghìn m3/ngày) và nước thải công nghiệp (khoảng 240 nghìn m3/ngày) không được xử lý, xả thẳng vào ao, hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, bệnh viện cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải…
Không chỉ ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất ở Việt Nam đang đối mặt những vấn đề như: nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch khiến mực nước dưới đất bị hạ thấp, nhất là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng ven biển; nhiều tổ chức, cá nhân khoan, khai thác nước dưới đất không thực hiện trám lấp giếng theo quy định, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Đáng lo ngại, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam có dấu hiệu ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển. Chất lượng nước biển bị ô nhiễm chủ yếu bởi chất rắn lơ lửng, nitrat, nitrit, colifom, dầu và một số thành phần kim loại nặng.
Nhận định về những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước thời gian qua, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Quản lý tài nguyên nước) Ngô Chí Hướng cho rằng: Hiện nay việc thu gom, xử lý nước thải của các hộ gia đình còn rất hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung; tuy nhiên cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ, còn hầu hết nước thải từ các hộ gia đình đều xả trực tiếp vào cống, rãnh, sông ngòi gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước cả ở nông thôn và đô thị. Tại các khu công nghiệp, việc đầu tư và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.
Cả nước có đến 70% các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Trong khi đó, nước thải tại các khu vực làng nghề, làng nghề truyền thống gần như không được xử lý, không chỉ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nông dược và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp đã làm nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm. Hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật trong nhiều năm qua, đã tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nước…
Để bảo vệ tài nguyên nước (TNN), cũng như thống nhất việc quản lý nước thải, Quốc hội đã thông qua Luật TNN (năm 2012); Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2020. Việt Nam hiện là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích giao thông thủy, nhằm thống nhất quản lý nguồn nước thải.
Đáng chú ý, hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch phân bổ, quan trắc, giám sát, đăng ký xử lý nước thải đã được quy định cụ thể và tổ chức đồng bộ, nhằm xác định rõ khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước cho tất cả lưu vực sông; kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có 142 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước được Bộ cấp trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố; các địa phương đã cấp 1.803 giấy phép theo thẩm quyền (trường hợp xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa hóa chất độc hại, phóng xạ vào nguồn nước)…
Cục trưởng Quản lý TNN Hoàng Văn Bảy cho biết: Với hệ thống pháp luật trong bảo vệ TNN, quản lý nước thải đã được ban hành và khá hoàn thiện, việc triển khai, tuân thủ trên thực tiễn đã có nhiều tiến bộ, phù hợp xu thế phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn nước theo hướng bền vững và từng bước giảm ô nhiễm do nguồn nước thải gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp, chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước như: Bổ sung các quy định để xử lý hình sự đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước; xử lý đối với người đứng đầu tổ chức gây ô nhiêm; tăng mức tiền phạt đối với các đối tượng vi phạm. Nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải, gắn với thu tiền sử dụng nước, hoặc thực hiện việc ký quỹ để thực hiện trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật…
Các chuyên gia đề nghị, tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả thải nước của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Định kỳ hằng năm, hoặc khi cần thiết công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm, hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết; cùng các cơ quan chức năng tổ chức giám sát; định kỳ và thường xuyên tiến hành kiểm kê TNN để làm cơ sở xây dựng, bổ sung quy hoạch TNN đối với toàn bộ đối tượng khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc…
Theo Nhân dân