Năm học vừa qua (2022-2023), ngành giáo dục huyện Minh Hóa đạt nhiều kết quả khá toàn diện, quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm bồi dưỡng; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học được tăng cường; các đơn vị trường đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học; triển khai thực hiện 10 chỉ tiêu về chuyển đổi số. Nhiều giáo viên, học sinh đạt các giải cao trong các kỳ thi, hội thi cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Đến nay toàn huyện có 18 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn duy trì đạt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.
Năm học mới 2023-2024, huyện Minh Hóa có 48 đơn vị trường học, trong đó có 19 Trường mầm non, 14 trường tiểu học, 8 trường THCS, 4 Trường TH&THCS, 2 Trường PTDT bán trú Tiểu học &THCS, 1 Trường Dân tộc nội trú với hơn 1.319 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và gần 14.000 học sinh.
Lễ Khai giảng năm học 2023 - 2024 được các nhà trường tổ chức khá chu đáo, gọn nhẹ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi với hoạt động đón học sinh đầu cấp; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định…
Tại huyện Lệ Thủy, ngày khai giảng năm học mới mang không khí vui tươi, rộn ràng và ấm áp. Các trường học trên địa bàn huyện tổ chức buổi lễ trang nghiêm, long trọng với tinh thần hân hoan, phấn khởi. Trên địa bàn huyện có 85/85 đơn vị tổ chức lễ khai giảng, tổng số học sinh hơn 30.000 học sinh gồm các khối mần non, tiểu học và trung học. Các đơn vị tổ chức khai giảng vui tươi, an toàn, ý nghĩa thiết thực.
Đặc biệt, mùa khai giảng năm nay, thầy, cô, trò Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy bước vào năm học mới với bộ trang phục đồng bào Bru - Vân Kiều. Đây là ngôi trường đặc biệt khó khăn đóng trên địa bàn xã miền núi vùng biên giới của huyện Lệ Thủy, nơi cư trú của lượng lớn người đồng bào Bru - Vân Kiều. Hiện trường hiện có 340 học sinh, phần lớn là con em người đồng bào. Mỗi ngày có hơn 180 học sinh ở lại sinh hoạt tại trường.
Còn tại trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch, điểm trường bản Coóc thuộc xã Thượng Trạch, xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, cách trung tâm thành phố Đồng Hới 120km, đường giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở. Nơi đây có trên 90% là cộng đồng dân tộc Ma Coong, với 18 bản, dân số hơn 3500 người; dân trí tương đối thấp, có trên 98% là hộ nghèo. Cuộc sống người dân ở nơi đây hết sức khó khăn về kinh tế, và càng khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, y tế cho người dân.
Năm học mới 2023 - 2024, vùng biên giới này tổng cộng có 451 em đến trường. Học sinh tiểu học gồm khối lớp 1: 55 em; khối lớp 2: 28 em; khối lớp 3: 40 em; khối lớp 4: 35 em, khối lớp 5: 32 em. Học sinh cấp 2 gồm khối lớp 6: 59 em; khối lớp 7: 56 em; khối lớp 8: 78 em và khối lớp 9: 68 em.
Nhân dịp khai khai giảng năm học mới, 5/9/2023, một cơ quan báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Roàng trao 10 xe đạp và 10 suất học bổng, mỗi suất 500.000VNĐ cho các em học sinh trường Tiểu học bản Coóc - xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Còn tại thành phố Đồng Hới , không khí khai giảng năm học mới diễn ra sôi nổi và vui tươi. Buổi lễ khai giảng diễn ra trong niềm vui hân hoan của cô và trò, với hy vọng năm học mới nhà trường sẽ phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra với kết quả cao nhất, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự yêu mến và tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh. Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 diễn ra với các nghi thức nghiêm trang và nhiều hoạt động sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực, tạo cho học sinh không khí vui tươi, phấn khởi.