Quảng Bình: Sạt lở ở Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vẫn đang diễn ra

Hà My|29/12/2022 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các điểm sạt trượt tại khu trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, từ tháng 2 đến nay vẫn đang diễn ra theo chiều hướng xấu có nguy cơ gây ảnh hưởng đến con người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông của khu vực Cửa khẩu.

sat-lo-o-cha-lo.jpg
Thực trạng sạt lở vẫn đang diễn ra ở khu vực trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Bình do ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng bình làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra tình hình các điểm sạt lở tại khu vực trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

Ngay sau buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng các thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, đơn vị tư vấn để thảo luận phương án xử lý nhằm tránh nguy cơ sạt lở và đảm bảo độ an toàn, bền vững.

Ông Hùng nhấn mạnh, hiện nay, các điểm sạt trượt tại khu trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đang diễn ra theo chiều hướng rất nhanh. Thực trạng này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến con người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông của khu vực Cửa khẩu. Do đó, các sở, ban, ngành liên quan cần khẩn trương tổ chức khảo sát, chi tiết, có kế hoạch, phương án cụ thể để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý kịp thời, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị này ghi nhận thông tin về vết nứt trên đỉnh đồi thuộc phạm vi khu vực trung tâm Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Quá trình kiểm tra hiện trường, nhận thấy vị trí trên mái taluy dương xuất hiện những vết nứt tại một số kết cấu gia cố mái như dầm dọc, dầm ngang, khóa đỉnh mái...

Tại khu vực phía trên đồi xuất hiện thêm nhiều đường nứt mới hình thành kéo dài đến mép suối bao quanh công trình, đất đá tự nhiên tại một số vị trí có hiện tượng trụt xuống, tạo thành vết lộ.

Ngày 25/2/2022, Sở Xây dựng đã chủ trì mời các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường và xác định, vết nứt trên đỉnh đồi nằm ngoài phạm vi khảo sát công trình, thuộc rừng tự nhiên, cách đỉnh mái taluy khoảng 115 m, cách chân mái 145 m về phía đồi.

Qua đánh giá sơ bộ, vết nứt mới hình thành, bề rộng khoảng 05 - 15 cm, kéo dài đến mép suối bao quanh công trình (dài khoảng 150 m), đất đá tự nhiên có hiện tượng sụt xuống, tạo thành khe hở, hai mép đường nứt chênh cao khoảng 30 - 40 cm.

Theo kết quả quan trắc đánh giá của Viện Địa chất trong tháng 6/2022, vết nứt đang mở rộng với tốc độ phát triển ngày càng lớn; khối lượng trượt đang có xu thế phát triển với những dịch chuyển và tích lũy năng lượng, đến một thời điểm bất lợi như mưa lớn kéo dài sẽ xảy ra sạt trượt, dẫn đến một khối lượng đất đá lớn đổ xuống làm ảnh hưởng lớn đến người dân sống trong khu vực và các công trình xung quanh.

Tính đến thời điểm hiện tại, bề rộng của vết nứt vẫn đang mở rộng và có xu hướng sụt trượt thêm, chiều rộng vết nứt ghi nhận tại tháng 12/2022 là 180 - 230 cm, chênh cao khoảng 200 cm. Vì vậy, việc xử lý nguy cơ sạt trượt đang rất cần thiết và cấp bách.

Bài liên quan
  • Quảng Nam: Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc
    UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đại Lộc huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Sạt lở ở Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vẫn đang diễn ra