Quảng Nam: Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc

Vũ Thành|23/12/2022 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch, Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đại Lộc huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.

Trong những đợt mưa lũ vừa qua, bờ sông Quảng Huế qua địa phận thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, đất đai của người dân địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp hợp lý để khắc phục.

Tại địa phương, hiện nay, bờ sông đã bị sạt lở gần 400m, ăn sâu hàng chục mét vào trong bờ. Những điểm sạt lở tạo thành bờ vực hơn 2m, là mối nguy hiểm đe dọa đến nhà cửa, đất sản xuất của người dân thôn Phú Nghĩa.

eabb1a38-dcf7-4245-b200-ebe821e2e694.jpeg

Ông Ngô Sung (54 tuổi, thôn Phú Nghĩa) cho biết, ngôi nhà của ông chỉ cách điểm sạt lở chừng 15m.  Diện tích đất sản xuất của gia đình ông cùng một số hộ dân khác đều bị sạt lở xuống sông.

“Tôi lo sợ rằng nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì nguy cơ nhiều ngôi nhà của người dân dọc bờ sông Quảng Huế sẽ bị đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào”, Ông Sung lo lắng.

Không riêng gì ông Sung, nhiều hộ dân thôn Phú Nghĩa cũng đang sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu, nhất là mỗi khi nghe thông tin sắp có vài trận mưa lớn. Bởi chỉ cần vài trận mưa, lũ từ thượng nguồn sẽ đổ về, lúc đó, 4 ngôi nhà nằm sát điểm sạt lở sẽ bị nước lũ cuốn phăng một cách dễ dàng.

Bà Phạm Thị Hồng (trú thôn Phú Nghĩa) kể lại: “Mỗi năm cứ đến mùa mưa lũ, bờ sông Quảng Huế lại xảy ra tình trạng sạt lở. Tuy nhiên năm nay sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, vùng sạt lở đã lấn vào sát nhà, tôi lo mình sẽ mất đất, mất nhà. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền có biện pháp khắc phục hoặc có phương án xây kè để bảo vệ người dân trong thôn”.

Trước tình trạng trên, chính quyền xã Đại An đã thực hiện biện pháp trước mắt là giăng dây và lắp biển cảnh báo, cấm người và phương tiện đi đến những điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời, không thể là phương án khắc phục lâu dài được.

9a38ca66-99b0-43c0-9d2e-4e2e748f1bfd.jpeg
Kè mềm cấp thiết bảo vệ nhà dân

Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, mặc dù tình trạng sạt lở tại bờ sông Quảng Huế, đoạn chảy qua thôn Phú Nghĩa đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng sau đợt mưa lũ vừa rồi, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, khiến nhiều diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng. Cụ thể, bờ sông Quảng Huế sạt lở gần 400m, khoảng 2ha đất sản xuất hoa màu của nhân dân bị sạt lở xuống sông, đe dọa đến 15 hộ dân, với 31 nhân khẩu, trong đó có 7 hộ ở khu vực nguy cơ sạt lở cao phải sơ tán đến nơi an toàn.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở bờ sông Quảng Huế, UBND huyện đã làm việc với UBND xã Đại An để tìm hướng khắc phục. “Hiện nay, lực lượng chức năng đang tiến hành các biện pháp gia cố tạm bờ sông sạt lở bằng bao cát và đóng cọc tre. Việc kè khẩn cấp này cũng hạn chế được việc sạt lở. Tuy nhiên về lâu dài, UBND huyện đã kiến nghị lên UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây lại đoạn kè chống sạt lở ở đoạn bờ sông này”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc