Quảng Bình: Tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng

Minh Anh|24/06/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời điểm này, tỉnh Quảng Bình đang nắng nóng kéo dài, khô hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và hộ dân sinh sống gần khu vực rừng luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao, kéo dài trong nhiều ngày làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều địa phương. Nhằm giảm thiểu và hạn chế những thiệt hại do cháy rừng gây ra các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn xác định công tác phòng cháy chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa

Cụ thể, khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước, trong có tổng diện tích rừng đặc dụng được giao quản lý bảo vệ là 22.128,06 ha là rừng tự nhiên. Diện tích này có độ tàn che cao, độ ẩm lớn nên nguy cơ xảy ra cháy rừng không cao. Tuy nhiên diện tích rừng Khu dự trữ tiếp giáp với các khu rừng kinh doanh của các Nông, Lâm trường và rừng trồng của các hộ gia đình do UBND cấp xã quản lý, vào mùa nắng, thời tiết hanh khô việc khai thác rừng, xử lý thực bì bằng phương pháp đốt không có sự kiểm soát dẫn đến cháy lan vào rừng tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng. Vùng đệm Khu DTTN có các bản sinh sống như An Bai, Hà Lẹc, Rum-Ho, Trung Đoàn, Mít Cát… các hoạt động nấu nướng sinh hoạt hàng ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra cháy rừng. Bên cạnh đó, trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 8, người dân thường đi lấy mật ong rừng bằng phương pháp dùng lửa đốt, đây là thời điểm nắng nóng nhất trong năm nên nguy cơ dẫn đến cháy rừng là rất cao.

Để hạn chế những thiệt hại do cháy rừng gây ra và chủ động trong công tác PCCCR ngay từ đầu năm BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong đã xây dựng phương án PCCCR theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR về các tổ, đội, trạm trong Khu dự trữ. Thành lập và kiện toàn 01 Ban chỉ Huy PCCCR và 6 tổ đội PCCCR với tổng số gần 50 người. Thống kê, duy tu, sửa chữa công cụ, phương tiện PCCCR đảm bảo sẵn sàng khi có cháy xảy ra. Mặt khác hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng dân cư, thôn bản sống gần rừng về PCCCR cũng được BQL khu dự trữ quan tâm. BQL đã xây dựng kế hoạch thường niên tổ chức tập huấn PCCC cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị, tổ chức phổ biến kiến thức về pháp luật, về PCCCR, sử dụng an toàn nguồn lửa trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho bà con thôn, bản sống gần rừng. Công tác phối kết hợp cùng các đơn vị chức năng như UBND xã, Công an, Bộ đội Biên phòng, các Nông-Lâm trường cũng được BQL chú trọng, đảm bảo việc nắm bắt thông tin và phối hợp nhịp nhàng khi có cháy rừng xảy ra. Trong chữa cháy rừng thực hiện theo phương châm 4 “tại chỗ”.

Hay như trên địa bàn TP. Đồng Hới hiện có gần 6.000ha rừng (chiếm 38,5% diện tích tự nhiên toàn thành phố), trong đó, rừng tự nhiên gần 2.400ha, rừng trồng 2.260ha và diện tích rừng trồng chưa thành rừng 1.340ha. Diện tích rừng ở các khu vực chủ yếu là cây keo, tràm, bạch đàn, thông nhựa trên mặt đất có rất nhiều lá cây, cỏ khô, tạo thành lớp thực bì dày.

Vì vậy, bước vào cao điểm mùa nắng nóng, các khu vực có nguy cơ cháy ngày càng cao. Năm 2020, trên địa bàn TP. Đồng Hới đã xảy ra 9 điểm phát lửa, 1 vụ cháy rừng, diện tích rừng cháy là 2ha.

Năm 2021, Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra hiện trạng các cánh rừng, kiểm tra công tác chuẩn bị PCCCR đối với các đơn vị, chủ rừng. Trên cơ sở đó, đơn vị xác định rõ những vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng và xây dựng các kịch bản, tình huống và các phương án PCCCR; chỉ đạo các xã, phường xây dựng phương án PCCCR cụ thể và tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Trước hết, bằng kinh nghiệm thực tế, chính quyền địa phương các xã, phường có rừng tăng cường vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và PCCCR, trong đó, lưu ý cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng; đồng thời, hướng dẫn nhân dân các biện pháp PCCCR bằng phương tiện tại chỗ.

Đặc biệt, việc phát xẻ đường băng cản lửa, thu gom và xử lý thực bì trước mùa nắng nóng được xem là giải pháp quan trọng nhất.

Để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, bên cạnh sự nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác PCCCR của tỉnh Quảng Bình thì sự phối hợp của UBND các xã trong công tác tuyên truyền và sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Nông-Lâm trường với BQL trong công tác PCCCR là cầu nối cho hoạt động PCCCR tại các địa phương đạt hiệu quả.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng