Quảng Bình: Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu

Ngọc Hạ|19/06/2021 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để bảo vệ diện tích lúa vụ hè – thu, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Tính đến ngày 16-6-2021, diện tích nhiễm ốc bươu vàng trên địa bàn tỉnh là 315ha, trong đó: Quảng Ninh 200ha, TP. Đồng Hới 35ha, Lệ Thủy 30ha, Quảng Trạch 17ha, Bố Trạch 15ha, TX. Ba Đồn 8ha, Minh Hóa 7ha, Tuyên Hóa 3ha. Mật độ phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, cục bộ 30-40 con/m2. Ốc có nhiều kích cỡ trên đồng ruộng.

Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa để kịp thời hướng dẫn người dân cách phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, ốc bươu vàng gây hại giai đoạn lúa mới gieo ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, nếu mật độ cao có thể làm thiệt hại 100% số cây trên ruộng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra, bà con nông cần áp dụng kết hợp biện pháp thủ công và biện pháp hóa học để tăng hiệu quả diệt ốc. Khi mật độ ốc cao, ốc có kích thước nhỏ, để hạn chế triệt để ốc bươu vàng gây hại, bà con sử dụng thuốc có hoạt chất, như: Metaldehyde, Niclosamide để diệt trừ. Liều lượng theo như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Bà con lưu ý, khi sử dụng thuốc phải duy trì mực nước từ 3-5cm để phòng trừ đạt hiệu quả cao; phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát bởi đây là thời điểm ốc hoạt động mạnh nhất. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ ốc thường độc đối với động vật thủy sinh nên chỉ sử dụng thuốc khi mật độ ốc cao, tránh sử dụng trên ruộng lúa cá.

Ngoài ra, các đối tượng khác cũng đang gây hại với chiều hướng gia tăng, như: chuột hại 71,2ha, sâu cuốn lá 60ha, sâu keo 50,2ha, bọ trĩ 36ha…. Chi cục khuyến cáo bà con nông dân cần bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết thay đổi thất thường, nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như: nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa giông kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh làm đổ ngã lúa đang giai đoạn trổ bông, chín. Đồng thời, mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, như: bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn…

Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích lúa đông-xuân. Đặc biệt, cần kịp thời phòng trừ và chăm sóc những diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn…vì những bệnh này có khả năng phát sinh, gây hại làm giảm năng suất, sản lượng thu hoạch.

Ngọc Hạ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu