Quảng Bình: Triển khai các giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản

Linh Lan (T/h)|24/03/2018 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)– Chiều 23/3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị nuôi trồng thủy sản năm 2018. Hội nghị không chỉ tổng kết kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2017 mà còn đề ra phương hướng sản suất trong năm 2018.

Toàn cảnh Hội nghị nuôi trồng thủy sản năm 2018

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2017 và triển khai phương hướng, giải pháp tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trong năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển giao, ứng dụng các khoa học kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nhiều mô hình mới được triển khai mang lại hiệu quả cao như: mô hình xen ghép tôm sú, cá dìa, cua; thâm canh cá rô phi đường nghiệp; nuôi cua trứng thương phẩm; nuôi thử nghiệm cá chạch bùn thương phẩm trong ao lót bạt; nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, Sở còn chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản như hỗ trợ hóa chất, khử trùng và dập dịch; giám định mẫu định kỳ 70 mẫu tôm, 70 mẫu nước và tập huấn về các kiến thức liên quan cho 185 hộ nuôi… Do vậy, các cơ sở nuôi cơ bản đạt năng suất, sản lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng.

Bên cạnh đó, để phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, Sở đã chỉ đạo đưa ra các giải pháp mang lại khả năng cạnh tranh và phát triển thủy sản bền vững, đó là: khuyến khích các cơ sở tìm kiếm các nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là các vùng nuôi tập trung để phát triển theo hướng thâm canh, bán thâm canh; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu nuôi của người dân; kết nối các cơ sở sản xuất giống, cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất với người nuôi tạo chuỗi liên kết giá trị sản xuất để người dân được cung ứng con giống, vật tư đảm bảo chất lượng; phổ biến nhân rộng các mô hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản nhằm tạo điều kiện để các hộ nuôi hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Linh Lan (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Triển khai các giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản