Quảng Bình: Xây dựng lò đốt rác trong trường học: Việc làm nhỏ, hiệu quả cao

L.Chi/ Quảng Bình|04/10/2018 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Xuất phát từ nhu cầu xử lý rác thải, xây dựng trường học “xanh-sạch-đẹp”, thời gian qua, một số trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa đã triển khai xây dựng mô hình lò đốt rác thải. Chỉ mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Việt Nam ghi nhận 27 người thiệt mạng vì bệnh dại trong 3 quý, năm 2018

Việt Nam: Chỉ có 30 phút chuẩn bị đối phó sóng thần

Đốt rác… trồng rau

Vấn đề xử lý rác thải tại các trường học, đặc biệt là các trường vùng cao luôn là bài toán khó đối với ngành giáo dục. Thu gom rác không khó, nhưng xử lý sao cho hợp vệ sinh lại là chuyện đáng bàn.

Để khắc phục tình trạng rác thải ùn ứ vào mùa mưa lũ, Trường THCS Hóa Hợp (Minh Hóa) đã xây dựng mô hình lò đốt rác thải vào đầu năm học 2017-2018. Ấn tượng đầu tiên về ngôi trường này là sân trường rất sạch sẽ, trước cửa mỗi lớp học đều đặt một sọt rác nhỏ bằng nhựa. Bao quanh sân trường là những bồn hoa xinh xắn và vườn rau xanh mướt do chính các em học sinh tự tay chăm sóc.

Anh Đinh Biên Thùy, giáo viên Tổng phụ trách, Trường THCS Hóa Hợp cho hay, Trường THCS Hóa Hợp có 233 học sinh. Nhiều năm qua, nhà trường rất “đau đầu” trước vấn đề giải quyết nguồn rác thải để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Để xử lý rác thải hằng ngày, nhà trường phải đào hố để chôn lấp rác. Nhưng trời mưa, rác lại tràn ra ngoài khuôn viên trường học, đó là chưa kể một số loại rác thải khó phân hủy, gây mất mỹ quan.

Trước thông tin một số trường tại các huyện lân cận xử lý xử lý rác bằng cách xây lò đốt rất hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đã nghiên cứu và quyết định xây lò đốt rác thải ngay trong khuôn viên nhà trường để tiện thu gom và xử lý. Lò đốt có cấu tạo 2 phần và được ngăn cách với nhau bởi một tấm lưới sắt. Phần trên có cửa để bỏ rác vào đốt, phần dưới là phần để hứng tro và có cửa để lấy tro ra. Trên lò có mái che nên có thể đốt rác bất cứ mùa nào trong năm, kế cả mùa mưa. Kinh phí xây dựng một lò đốt rác chỉ khoảng 3 triệu đồng. Lò đốt rất tiện lợi, tất cả các loại rác thải hữu cơ đều được đốt cháy, tro từ lò đốt còn được dùng để bón phân cho các bồn hoa và vườn rau của liên đội.

“Mỗi lớp có một vườn rau nhỏ do chính các em học sinh trồng và chăm sóc với đủ các loại rau, củ, quả. Hằng ngày sau mỗi giờ học, các em học sinh lại tranh thủ chăm sóc vườn rau của lớp mình. Những vườn sau sạch này đến mùa thu hoạch sẽ được bán cho các thầy cô giáo và người dân sống xung quanh trường. Năm học 2017-2018, liên đội đã thu được hơn 2 triệu đồng từ mô hình trồng rau sạch. Số tiền này được dùng để xây dựng các công trình măng non và trao học bổng cho các em học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Thùy tâm sự.

Sức lan tỏa của mô hình

Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe cho học sinh và người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Hội đồng Đội huyện Minh Hóa thường xuyên quan tâm, đưa nội dung này vào các chương trình hoạt động. Đầu năm 2017, Hội đồng Đội huyện đã chỉ đạo xây dựng mô hình lò đốt rác thải tại Trường THCS Hóa Hợp sau đó nhân rộng ra Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa. Cả hai ngôi trường này có học sinh khá đông nhưng hệ thống xử lý rác thải còn rất thô sơ nên ảnh hưởng đến môi trường học tập cũng như sức khỏe của học sinh.

Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa có 3 điểm trường ở bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ với 165 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là con em đồng bào Rục. Đời sống của các em học sinh và phụ huynh còn khó khăn nên để xây dựng công trình lò đốt rác, liên đội nhà trường đã vận động quyên góp từ các liên đội trường bạn.

Theo anh Đinh Thanh Hùng Cường, giáo viên Tổng phụ trách, Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa, sau khi nhận được sự hỗ trợ, liên đội nhà trường liền bắt tay ngay vào việc xây dựng công trình. Công trình lò đốt rác của liên đội có chiều cao 2m, rộng 1,1m, có khoang để rác, khoang đốt lửa, khoang thải tro và xử lý. Phần lớn học sinh trong trường là người dân tộc thiểu số nên việc dạy cho các em ý thức bảo vệ môi trường rất khó khăn. Trước đây, sau mỗi giờ tan học, các phòng học, khuôn viên nhà trường ngập trong rác, đủ các loại từ giấy, bút, vỏ bìa, hộp sữa, lá cây… Từ khi có mô hình lò đốt rác, các em được trực tiếp tham gia dọn dẹp, phân loại và đốt rác nên ý thức của các em cũng nâng lên rõ rệt.
“Vào đầu giờ mỗi buổi sáng, các em học sinh có 15 phút để dọn dẹp rác ở lớp và khuôn viên sân trường. Rác được tập kết tại các giỏ rác lớn của nhà trường và cứ 2-3 ngày lớp trực ban sẽ đem vào lò để đốt. Nhờ có mô hình lò đốt rác, ý thức bảo vệ môi trường của các em được nâng cao, việc vứt rác bừa bãi giảm hẳn, rác được xử lý rất triệt để”, anh Cường chia sẻ.

Phát huy hiệu quả từ lò đốt rác thải ở Trường THCS Hóa Hợp, Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa, đến nay mô hình đã được Hội đồng Đội huyện Minh Hóa nhân rộng tại 5 trường học trên địa bàn.

Chị Đinh Thị Hương Xoan, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Minh Hóa cho biết: “Lò đốt rác thải ở trường học là một trong những công trình măng non của các tổ chức Đội. Thực tế cho thấy, mô hình này có thể áp dụng ở nhiều điểm trường trong huyện bởi mức đầu tư thấp lại cho hiệu quả cao trong bảo đảm vệ sinh môi trường ở trường học. Thời gian tới, Hội đồng Đội huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và nhân rộng mô hình lò đốt rác tại các trường học trên địa bàn. Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng trường học “Xanh-sạch-đẹp”.

L.Chi/ Quảng Bình


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Xây dựng lò đốt rác trong trường học: Việc làm nhỏ, hiệu quả cao
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.