Cán bộ Hội Nông dân tỉnh truyền đạt kiến thức về tác dụng của rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, tác hại của việc xử lý rơm rạ không đúng cách, kỹ thuật sử dụng rơm rạ trong canh tác lúa thân thiện với môi trường và dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ tạo nguồn dinh dưỡng cho đất ruộng... Hội viên nông dân cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng rơm rạ sau khi gặt lúa.
Sau lớp tập huấn, hội viên trực tiếp thực hành sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri xử lý trên mặt ruộng và áp dụng để canh tác lúa thân thiện với môi trường trong mùa vụ tới.
Những tác hại và hệ lụy của việc đốt rơm rạ
Theo quan niệm của nhiều nhà nông, đốt rơm rạ là một việc ít tốn công, có thể trực tiếp tiêu diệt được mầm mống dịch bệnh trên đồng ruộng, phần tro thì có thể đem bón cho đất, cho cây. Tuy nhiên mấy ai biết rằng đốt rơm rạ là một công việc lợi ít hại nhiều.
Việc đốt rơm rạ tại đồng ruộng sẽ biến các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất thành chất vô cơ, do tro than của rơm rạ chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ, trong khi việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho lượng lớn nước trong đất bị bốc hơi, nếu lâu dài sẽ làm đất biến chất và trở nên chai cứng.
Một tác hại khác đó là ô nhiễm môi trường, bởi lẽ khi đốt rơm rạ không chỉ có khí CO2 thải vào không khí, mà các khí độc khác như CH4, khí CO và một ít khí SO2 cũng thải vào.
Bên cạnh đó, thành phần chủ yếu của rơm rạ là các chất xenlulozo, hemixenlulozo, và các chất hữu cơ kết dính, khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là dễ gây các chứng bệnh về đường hô hấp, co thắt phế quản, và nguy cơ gây ung thư phổi.
Ngoài ra, đốt rơm rạ là nhà nông đang lãng phí nguồn “tài nguyên” khổng lồ, bởi rơm rạ là nguồn sinh khối to lớn mang nhiều tiềm năng như làm phân bón, vật liệu trồng nấm, thức ăn chăn nuôi… đặc biệt, đây là nguồn nguyên liệu quý nếu sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.